Hệ thống định mức, giá xây dựng còn nhiều bất cập

(BĐT) - Định mức xây dựng được công bố hiện nay chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa theo kịp những thay đổi của các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng mới, về cơ bản chỉ được áp dụng cứng đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. 
Cơ chế cho phép địa phương công bố giá riêng biệt là kẽ hở để các đơn vị tăng chi phí đầu tư xây dựng. Ảnh: Tường Lâm
Cơ chế cho phép địa phương công bố giá riêng biệt là kẽ hở để các đơn vị tăng chi phí đầu tư xây dựng. Ảnh: Tường Lâm

Thực tế này, theo nhiều chuyên gia, là một tác nhân ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Còn kẽ hở để tăng chi phí

Theo ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), hệ thống định mức và giá xây dựng đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng. Mặc dù nhiều năm qua, hệ thống này luôn được cập nhật, bổ sung, nhưng vẫn chưa theo kịp thực tiễn đổi mới.

Ông Long chỉ ra, thực tế triển khai đầu tư xây dựng cho thấy hệ thống định mức đã quá lạc hậu, chưa phù hợp với công nghệ, thiết bị ngày càng phát triển. Đồng thời, thiếu hệ thống định mức cơ sở về năng suất lao động và năng suất máy, thiết bị thi công cho việc xác định đơn giá, dự toán. Đơn giá xây dựng hiện hành chưa bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ phù hợp điều kiện xây dựng và giá thị trường tại các khu vực xây dựng, chưa phân định rõ chi phí cố định, chi phí biến đổi.

“Chính các văn bản pháp luật hướng dẫn về định mức và giá xây dựng chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến nhiều khó khăn trong khâu thanh, quyết toán”, ông Long bình luận.

Ông Ngô Trí Long đã dẫn chứng đánh giá tổng hợp của cơ quan tài chính là nhiều chủ đầu tư công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước sợ trách nhiệm, không xây dựng định mức mới, trong khi cơ chế cho phép địa phương công bố giá riêng biệt lại là kẽ hở để các đơn vị tăng chi phí đầu tư xây dựng. Việc xây dựng định mức còn nặng cảm tính, chưa dựa trên những yếu tố thực tế như năng suất lao động, công nghệ…, gây khó khăn trong việc xác định chi phí đầu tư xây dựng. 

Nên bỏ việc ban hành chỉ số giá xây dựng

Ông Vũ Chu Hiền, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, phân tích, theo các quy định pháp luật hiện hành về xây dựng, dự toán xây dựng phải được lập trên cơ sở đơn giá xây dựng công trình do UBND tỉnh ban hành, bậc thợ, chi phí nhân công theo Thông tư số 05/2015/TT-BXD. Đơn giá xây dựng công trình được xác định trên cơ sở giá thị trường hoặc định mức xây dựng và giá vật liệu, nhân công, máy thi công, các yếu tố chi phí cần thiết khác phù hợp với mặt bằng giá thị trường tại khu vực xây dựng. Tuy nhiên, việc điều tra, tổng hợp và tần suất ban hành lại phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực bộ máy của cơ quan quản lý xây dựng địa phương.

Ông Hiền ví dụ, Hà Nội ban hành khá thường xuyên, nhưng Bắc Ninh ngày 25/1/2017 mới ban hành Quyết định số 105/QĐ-UBND ban hành đơn giá xây dựng thay thế cho Văn bản số 386/UBND-XDCB ngày 24/3/2008 ra trước đó 9 năm!

Việc phân loại thợ xây dựng hiện nay do các trường dạy nghề, các hội đồng thi do cơ quan nhà nước ngành xây dựng quyết định. Về chi phí nhân công trong từng thời kỳ, Chính phủ ra các nghị định quy định mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu vùng, giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra thông tư hướng dẫn.

Ông Hiền đề nghị ngành xây dựng nên bỏ việc xây dựng và ban hành chỉ số giá xây dựng, tập trung vào việc xây dựng, sửa đổi, cập nhật kịp thời các chỉ tiêu, hệ thống định mức kỹ thuật xây dựng là lĩnh vực đúng chuyên môn và có thẩm quyền. Đối với chỉ số giá xây dựng, giá xây dựng, giá/chi phí nhân công, chỉ nên xây dựng các phương pháp tính toán, điều chỉnh, áp dụng các số liệu cơ sở do Tổng cục Thống kê ban hành, Chính phủ/Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

Tháng 12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng. Theo nhiều ý kiến, việc sớm hoàn chỉnh định mức và giá xây dựng là rất cần thiết và cấp bách, trong đó trước mắt cần xây dựng tốt hệ thống nghiên cứu thị trường để xây dựng các yếu tố của hệ thống định mức. Đồng thời, khi sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cần lưu ý các quy định để hệ thống định mức và giá xây dựng theo sát diễn biến thị trường hơn, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.