Hiến kế cơ cấu lại nền kinh tế

(BĐT) - Đề án cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 được Quốc hội thông qua với hàng loạt mục tiêu và giải pháp đi cùng. Tuy nhiên, để triển khai thành công Đề án đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó sự quyết tâm của Chính phủ và sự sẵn sàng vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp mang tính quyết định. 
Tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực du lịch chưa được khai thác hết cho phát triển kinh tế
Tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực du lịch chưa được khai thác hết cho phát triển kinh tế

Trước thềm năm mới, Báo Đấu thầu ghi nhận một số ý kiến góp ý để triển khai hiệu quả Đề án này.

Hiến kế cơ cấu lại nền kinh tế ảnh 1
Phân bổ nguồn lực dựa trên nguyên tắc hiệu quả

TS. Cao Viết Sinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Cơ cấu lại nền kinh tế là yêu cầu cấp bách của nước ta hiện nay và có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng mô hình tăng trưởng. Đây là vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp, cần triển khai trên phạm vi rộng.

Theo tôi, để có thể hiện thực hóa việc cơ cấu lại nền kinh tế thì phải dựa vào 4 nội dung chủ yếu. Thứ nhất là cơ cấu lại nguồn lực theo kinh tế thị trường, nghĩa là nguồn lực phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội phải được phân bổ theo hướng cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả. Để làm được điều này, cần xóa bỏ tư duy và cơ chế xin - cho, phải đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên quyền lợi của cá nhân và của nhóm lợi ích. Thứ hai là phải phân bổ thị trường các yếu tố sản xuất như đất đai, vốn, tài nguyên… không dựa vào quyết định hành chính, mà thông qua tín hiệu thị trường. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện việc cơ cấu lại, yếu tố này cần được đặt lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, để cơ cấu lại thành công nền kinh tế thì phải chuyển được sang mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, nghĩa là phải dựa vào việc tăng năng suất lao động nhờ lực lượng lao động được đào tạo bài bản, có tay nghề cao, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ.

Điểm mấu chốt cuối cùng, có ý nghĩa quyết định đến thành công của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế là phải hy sinh lợi ích nhóm. Các công cụ chính sách, các chủ trương, đường lối cần phải được xây dựng và thực thi trên tổng thể lợi ích của quốc gia, của dân tộc và vì cái chung, không thể bị cản trở, chi phối bởi những lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Hiến kế cơ cấu lại nền kinh tế ảnh 2
Gắn cơ cấu lại đầu tư công với cơ cấu lại DNNN

TS. Trần Du Lịch, Chuyên gia kinh tế

Nếu hiểu “đầu tư công” bao gồm đầu tư của Nhà nước và các tổ chức kinh tế nhà nước thì vấn đề cơ cấu lại đầu tư công phải bao gồm cả 2 bộ phận trên. Việc tái cơ cấu đầu tư công không thể tách rời với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Do đó, cách tiếp cận vấn đề cơ cấu lại đầu tư công phải đặt trong mối quan hệ và gắn với nội dung cơ cấu lại DNNN. Hơn thế, khi giải quyết vấn đề cơ cấu lại DNNN, mà trọng tâm là các tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước, cần làm rõ chức năng kinh tế của Nhà nước trong điều kiện vận hành của cơ chế thị trường. Do đó, vấn đề trước tiên là phải xây dựng một hệ thống quan điểm đồng bộ để làm cơ sở cho việc ban hành các chính sách phục vụ cho mục tiêu cơ cấu lại và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế dài hạn, trong đó sử dụng các chính sách thúc đẩy quá trình cơ cấu lại đầu tư như một bước đột phá trong giai đoạn trước mắt.

Hiến kế cơ cấu lại nền kinh tế ảnh 3
Cần một môi trường tự do kinh doanh thực sự

Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Năm 2016 là năm đáng nhớ đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ít có giai đoạn nào mà các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, những tuyên bố chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp diễn ra liên tục như vậy. Hoạt động lớn, quan trọng đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ là trực tiếp đối thoại với đông đảo cộng đồng doanh nghiệp cả nước. Hai nghị quyết về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển doanh nghiệp (Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35) đã được Chính phủ liên tiếp ban hành trong tháng 3 và tháng 5 năm 2016.

Vốn không được quan tâm đúng mức nên quy định về việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh tại các thông tư cấp bộ trong vòng 1 năm kể từ thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực (từ 1/7/2015) đến tháng 4/2016 gần như không có chuyển động gì. Bắt đầu Chính phủ nhiệm kỳ mới, trong một thời gian rất ngắn, gấp gáp nhưng Chính phủ vẫn quyết tâm bảo đảm tuân thủ quy định tiến bộ này của Luật Đầu tư, gấp rút chỉ đạo soạn thảo 50 nghị định thay thế hàng trăm thông tư cấp bộ…

Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn lực, thiếu thông tin. Những nghiên cứu, khảo sát của chúng tôi cho thấy doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, tiếp cận nguồn vốn, đất đai còn rất hạn chế, đặc biệt là các thủ tục hành chính rườm rà khiến họ ngần ngại. Bên cạnh đó, không ít quy định của pháp luật còn có sự phân biệt về quy mô mới được kinh doanh như: kinh doanh khí gas, xuất khẩu gạo, vận tải ô tô… Chính những “phân biệt” này trên thực tế đã loại nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia sản xuất, kinh doanh.

Để cơ cấu lại nền kinh tế thành công, theo tôi, một yếu tố quan trọng là cần xây dựng một môi trường tự do kinh doanh thực sự. Nguồn lực rất hạn chế trong xã hội cần phải có cơ hội đến được với những người sử dụng hiệu quả nhất. Các quy định đã có cần được thực thi triệt để nhằm tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch theo hướng thị trường.

Hiến kế cơ cấu lại nền kinh tế ảnh 4
Thoái vốn nhà nước cần đảm bảo hài hòa lợi ích

Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital

Năm 2017, tôi kỳ vọng một bức tranh sáng sủa hơn cho nền kinh tế Việt Nam với các chỉ số kinh tế vĩ mô (GDP, lãi suất, tỷ giá…) ổn định. Hi vọng GDP đạt mức tăng khoảng 6,5 - 7%. Điều đáng lo ngại với năm 2017 có chăng chính là giá dầu tăng cao, tác động tiêu cực đến lạm phát. Tuy nhiên, ở góc độ tích cực thì giá dầu lên cũng giúp Nhà nước tăng thu đáng kể từ nguồn dầu thô khai thác được.

Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam chủ trương thoái vốn tại nhiều DNNN. Là một quỹ đầu tư, VinaCapital chủ trương sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư ở những thương vụ này. Nếu doanh nghiệp tốt, có triển vọng, chúng tôi sẽ tiếp tục giải ngân.

Về các chỉ tiêu cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, tôi cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được. Vấn đề là có muốn làm hay không mà thôi.

Ví dụ việc thoái vốn tại các DNNN. Đó là việc liên quan đến lợi ích của rất nhiều bên: Nhà nước, cá nhân, nhà đầu tư. Vì vậy, muốn thành công phải hài hòa những lợi ích đó. Với tư cách là nhà đầu tư, chúng tôi cũng chỉ có thể rót vốn vào các thương vụ có mức giá phù hợp. Vì suy cho cùng, nhà đầu tư hành động vì lợi nhuận. Nếu không thu được lợi nhuận, cá nhân tôi sẽ không hoàn thành được mục tiêu của Quỹ. Thoái vốn DNNN là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, tôi cũng mong rằng trong lộ trình thoái vốn nhà nước, cần cân nhắc sao cho hài hòa lợi ích của các bên tham gia. Có như vậy, mục tiêu tốt đẹp này mới có thể thành công được.

Hiến kế cơ cấu lại nền kinh tế ảnh 5
Cần dòng vốn giá rẻ, dài hạn

TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế 

Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã xác định đường hướng  phát triển kinh tế trong Đề án cơ cấu lại nền kinh tế cũng như trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đó là lấy chuỗi ngành sản phẩm chủ lực hướng vào xuất khẩu để làm thế mạnh cho tái cơ cấu. Trong thời gian tới, cần xác định rõ nước ta có bao nhiêu nhóm ngành và sản phẩm cần được tập trung thực hiện tái cơ cấu, cả trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Cơ cấu lại hướng tới mục tiêu tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi định vị được hướng ra rồi thì bắt đầu tính đến nguồn lực, cơ chế để điều phối.

Một vấn đề quan trọng là nguồn vốn cho doanh nghiệp. Cần tạo nguồn vốn giá rẻ, an toàn, bảo đảm được đầu tư dài hạn. Nếu cho vay ngắn hạn thì doanh nghiệp không biết đầu tư vào đâu, đầu tư xong chưa thu hồi vốn đã đòi nợ thì lại thành nợ xấu… Nhà nước phải có khoản vốn dành cho tái cơ cấu ngoài khoản vốn đầu tư phát triển theo các định hướng đã được lựa chọn.

Hiến kế cơ cấu lại nền kinh tế ảnh 6
Lời nói phải đi đôi với hành động

PGS. TS. Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả thuộc Bộ Tài chính

Đề án cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đã nêu rất rõ, cụ thể và chi tiết những việc cần làm. Nhưng quan trọng hơn là phải đề ra được cách thức thực hiện. Điều cần làm bây giờ là phải đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra việc thực thi theo lộ trình, kế hoạch thực hiện và quy rõ trách nhiệm cụ thể, chứ không thể chung chung được.

Một trong những nội dung cơ cấu lại nền kinh tế có hoạt động của các ngân hàng. Đây là lĩnh vực huyết mạch của nền kinh tế quốc dân. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, năm 2016, hoạt động ngân hàng cơ bản bảo đảm sự ổn định và lãi suất có xu hướng giảm. Tuy nhiên, sự ổn định này vẫn chưa thực sự vững chắc. Hiện vẫn còn một số ngân hàng yếu kém, đặc biệt là đối với 3 ngân hàng mua bằng 0 đồng. Vậy, trách nhiệm xử lý vấn đề này trong thời gian tới như thế nào, cần vạch rõ.

Mặc dù trước nay có nhiều ngân hàng, định chế tài chính nước ngoài bày tỏ sự quan tâm mua lại ngân hàng 0 đồng, nhưng thực tế hiện vẫn chưa có ngân hàng, tổ chức nào vào cuộc. Tóm lại, đây là một gánh nặng lớn cho nền kinh tế. Vì thế, trong thời gian tới, cần kiên quyết xử lý mạnh tay các ngân hàng yếu kém.