Hiến kế để ngành công nghiệp công nghệ cao bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với thế và lực đang lên, Việt Nam đứng trước những cơ hội thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, từ đó tạo ra bước phát triển đột phá cho đất nước. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia đề xuất ý tưởng để “mở khóa”, đẩy mạnh phát triển lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.
Việt Nam đang là cứ điểm sản xuất của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn như Intel, Marvell, Samsung… Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam đang là cứ điểm sản xuất của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn như Intel, Marvell, Samsung… Ảnh: Lê Tiên

Cơ hội phát triển công nghiệp công nghệ cao

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Trịnh Công, chủ nhân của hàng chục bằng sáng chế tại Hoa Kỳ, quản lý cao cấp của nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại Applied Materials, thành viên của Mạng lưới đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển các ngành công nghiệp mới có giá trị gia tăng cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn.

Theo ông Công, Việt Nam và Hoa Kỳ đang có mối quan hệ “nồng ấm” sau khi nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Một trong những nội dung hợp tác chiến lược là về ĐMST, trong đó có phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Sau đó 1 tuần, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm Hoa Kỳ và dành thời gian làm việc với Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ cùng nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn. Hơn nữa, hiện nhiều doanh nghiệp (DN) công nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ mong muốn dịch chuyển đầu tư để tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định, và Việt Nam là một lựa chọn lý tưởng.

Thực tế, hiện Việt Nam đang là cứ điểm sản xuất của nhiều DN công nghệ lớn trên toàn cầu, trong đó có những “ông lớn” trong ngành bán dẫn như: Intel, Marvell, Samsung…

Tại nghị trường Quốc hội ngày 1/11, nhiều đại biểu cho rằng, đất nước ta đang đứng trước cơ hội phát triển chưa từng có. “Kết quả công tác đối ngoại thời gian qua là một minh chứng khẳng định sự tôn trọng của các nước lớn và cộng đồng quốc tế đối với vị thế của Việt Nam, mở ra cho chúng ta cơ hội có thể trở thành điểm đến tin cậy cho các cuộc đối thoại hòa bình và các dòng chảy thương mại, đầu tư có chất lượng cao toàn cầu. Không chỉ ngành công nghiệp chip bán dẫn, mà nhiều ngành kinh tế khác như nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, thương mại, du lịch, dịch vụ và an sinh xã hội… cũng đều có cơ hội phát triển bừng nở”, Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhìn nhận.

Tại Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam vừa diễn ra trong khuôn khổ chuỗi sự kiện khánh thành Trung tâm ĐMST quốc gia cơ sở Hoà Lạc và Triển lãm quốc tế ĐMST Việt Nam 2023, nhiều nhà đầu tư quốc tế cho rằng, cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đang rất lớn. Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ John Neuffer khẳng định, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam đã tạo nên “xung lực mới” thúc đẩy hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn giữa DN hai nước.

“Nước đi” nào cho Việt Nam?

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, cơ hội cho một Việt Nam khác biệt và thịnh vượng đã đến và chúng ta không được phép bỏ lỡ. “Tôi tin rằng Việt Nam sẽ khác biệt và thịnh vượng hơn trong kỷ nguyên số, nếu chúng ta kịp thời có những chính sách đột phá, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Khải nói.

Theo TS. Trịnh Công, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. “Những năm 1970 - 1980, Đài Loan cũng chỉ là nơi lắp ráp các thiết bị điện tử của thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, họ xây dựng chiến lược phát triển, trong đó xác định rõ phải chú trọng đầu tư vào kỹ thuật điện tử để vươn lên”, TS. Công chia sẻ.

Cụ thể, Đài Loan đầu tư mạnh vào phát triển khoa học công nghệ có trọng tâm, trọng điểm; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn bằng cách lựa chọn một số trường đại học ưu tiên đào tạo. Cùng với đó, họ cũng dựa rất nhiều vào nguồn lực từ đội ngũ chuyên gia nước ngoài để phát triển.

TS. Công cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược và đầu tư dài hơi với cơ chế chính sách rõ ràng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có việc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để “mở khoá” cơ hội.

“Trong vòng 1 - 5 tới, Việt Nam cần chú trọng kêu gọi hợp tác đầu tư với các DN công nghệ quốc tế; đồng thời, chuẩn bị nhân lực cho ngành bán dẫn với việc tập trung đào tạo tại một số trường đại học. Để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường có thể phối hợp với Mạng lưới ĐMST Việt Nam, các trường đại học quốc tế, tập đoàn công nghệ lớn… Giai đoạn tiếp theo, Việt Nam có thể đầu tư một trung tâm nghiên cứu tầm cỡ quốc gia về bán dẫn”, ông Công khuyến nghị.

Để tận dụng tốt cơ hội phát triển, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, sự chuẩn bị về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực giữ vai trò quyết định. “Cần có những quyết sách chiến lược ở tầm quốc gia. Tôi đề nghị Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội sớm các đề án về vấn đề này”, ông Lộc đề nghị.

Tin cùng chuyên mục