Hiện thực hóa khát vọng 5.000 km cao tốc, kết nối Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để đạt mục tiêu 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030, ước tính nhu cầu vốn đầu tư khoảng 813.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 393.000 tỷ đồng. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, nỗ lực của nhà thầu và các chủ đầu tư, nhiều đoạn, tuyến cao tốc đang dần được hình thành. Dự kiến, năm 2025, cả nước có khoảng 2.950 km đường bộ cao tốc.
Nhiều đoạn tuyến thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã hoàn thành, đưa vào khai thác như: đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm với tổng chiều dài 312 km. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều đoạn tuyến thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã hoàn thành, đưa vào khai thác như: đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm với tổng chiều dài 312 km. Ảnh: Lê Tiên

Tập trung nguồn lực, từng bước hiện thực hóa khát vọng

Một trong 3 đột phá chiến lược mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn, với mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.

Việc nâng tầm hệ thống hạ tầng giao thông tạo ra đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội khi từng địa phương có cơ hội tăng cường thu hút đầu tư, tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế chính sách có tính đột phá, tập trung ưu tiên bố trí mọi nguồn lực nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã rà soát, đánh giá và căn cứ điều kiện đặc thù, lợi thế của các phương thức vận tải của từng vùng, miền để triển khai lập đồng thời 5 quy hoạch ngành quốc gia. Đây là điều kiện thuận lợi để hoàn thành xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các phương thức nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics.

Theo Bộ GTVT, để hiện thực hóa mục tiêu 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030, ước tính nhu cầu vốn đầu tư khoảng 813.000 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 393.000 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2025, cả nước có khoảng 2.950 km đường bộ cao tốc. Thời gian qua, nguồn lực mà Nhà nước dành cho đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc ngày càng gia tăng. Năm 2023, Bộ GTVT được giao số vốn lớn nhất từ trước tới nay (trên 95.000 tỷ đồng) để triển khai thực hiện các dự án, trong đó có các tuyến cao tốc. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước trong việc ưu tiên nguồn lực để triển khai thực hiện các tuyến giao thông lớn, huyết mạch cũng như vai trò thúc đẩy kinh tế phát triển, là động lực dẫn dắt kinh tế địa phương khởi sắc của các tuyến đường cao tốc.

“Để bảo đảm hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 có 5.000 km cao tốc, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch, mục tiêu trong từng thời kỳ trung hạn làm cơ sở cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện. Ngoài ra, căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế và khả năng cân đối nguồn lực, sẽ kêu gọi đầu tư thêm một số tuyến cao tốc thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long”, đại diện Bộ GTVT cho biết.

Những đại lộ mở hướng tương lai

Từ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, nỗ lực của nhà thầu và các chủ đầu tư, nhiều đoạn tuyến thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã hoàn thành, đưa vào khai thác như: đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm với tổng chiều dài 312 km. Từ đầu năm 2023 đến nay đã khởi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, 3 dự án trục Đông - Tây, 2 dự án đường vành đai và một số dự án khác với tổng chiều dài 1.311 km.

Bộ GTVT cho biết, trong các tháng cuối năm 2023 sẽ tập trung hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án giao thông lớn, nhất là các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 bao gồm: đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho biết, với những tỉnh miền núi như Lào Cai thì hạ tầng giao thông đang thực sự là điểm nghẽn, cản trở sự phát triển của địa phương. Nếu được đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ và bài bản để kết nối Lào Cai với các địa phương lân cận thì chắc chắn sẽ tạo động lực để khai thác các tiềm năng, lợi thế phát triển như: kinh tế cửa khẩu, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo… Có hạ tầng giao thông tốt thì việc thu hút đầu tư sẽ có sự bứt phá so với hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang bày tỏ vui mừng và đặt nhiều kỳ vọng về tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang được triển khai. Tuyến cao tốc này sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, tạo dư địa phát triển mạnh mẽ cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới. “Với ưu thế năng lực thông hành lớn, tốc độ cao, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn khoảng cách, kết nối các thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. An Giang sẽ thúc đẩy phát triển hạ tầng các khu đô thị dọc tuyến, tích hợp quy hoạch các khu, cụm công nghiệp và đô thị bám sát trục cao tốc nhằm tạo đột phá mới về kinh tế”, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, Đèo Cả đã thi công rất nhiều công trình giao thông quan trọng của đất nước, có tính kết nối liên vùng như chuỗi công trình hầm đường bộ ở khu vực miền Trung (gồm hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân), các tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Bắc - Nam phía Đông... Các công trình này có tác động lan tỏa rất tốt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Thu hút đầu tư, chỉ số phát triển các ngành nghề liên quan của địa phương đều có sự khởi sắc vượt bậc, nhiều thế mạnh của địa phương được phát huy. “Các địa phương đều có phản hồi rất tốt và mong muốn Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục tham gia những công trình giao thông lớn khác ở địa phương để tạo đà phát triển kinh tế. Hiện nay, các tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng đang kêu gọi và mong muốn chúng tôi quan tâm, triển khai các tuyến cao tốc ở đây để khơi thông các thế mạnh và tiềm năng phát triển của địa phương như du lịch, bất động sản…”, ông Nam nói.

Tin cùng chuyên mục