Ảnh minh họa. |
Chính sự hiện diện của các doanh nghiệp (DN) FDI đã tạo hiệu ứng lan tỏa đối với ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
195 doanh nghiệp tham gia cung ứng sản phẩm
Theo GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, trong khoảng 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thu hút được khoảng 155 tỷ USD vốn FDI, chiếm 22% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới như: Samsung, Intel, Microsoft, Bosch, LG, Toyota, Honda… đã chọn Việt Nam là điểm đặt chân với việc đầu tư xây dựng hàng loạt các nhà máy, khu tổ hợp công nghệ cao tại Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc...
Đặc biệt theo ông Mại, năm 2016, nền kinh tế chứng kiến tác động lan tỏa tích cực của khối DN FDI. Theo vị chuyên gia này, nếu nhìn riêng ở góc độ công nghiệp hỗ trợ, thì năm 2016 có thêm nhiều DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn kinh tế lớn này. Cụ thể là đến hết năm 2016, đã có 195 DN tham gia cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho Khu phức hợp điện tử gia dụng và công nghệ Samsung của Công ty Samsung Electronics. Bên cạnh đó, hàng loạt DN Việt Nam, mà điển hình là Công ty CP Ô tô Trường Hải, cũng từng bước chiếm được thị phần trong nước.
“Do đó, nếu ai nói DN Việt Nam không làm được cái đinh ốc, không tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu là không hiểu gì về hiệu ứng lan tỏa của FDI trong năm qua”, ông Mại nêu quan điểm.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện Công ty An Phú Việt cho biết, trong 4 năm qua, Công ty tham gia cung ứng các sản phẩm từ plastic như: linh kiện điện tử, điện thoại, xe máy; lắp ráp các phụ tùng thiết bị điện tử cung cấp cho các DN lớn như Samsung Việt Nam, Panasonic, Brother, Honda… Nhờ trở thành đối tác với DN nước ngoài mà công nhân của Công ty đã được nâng cao tay nghề; còn Công ty thì tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động cũng như cung cấp được những sản phẩm chất lượng cho thị trường.
Dưới góc độ khác, một số chuyên gia cho rằng, nhờ sự có mặt của các DN FDI mà tăng trưởng kinh tế của nhiều tỉnh đã tốt hơn, nhiều DN kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ được hưởng lợi.
Cải thiện năng lực để đón cơ hội
Một chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng cho rằng, các DN Việt Nam cần tích cực nâng cao hơn nữa năng lực để có thể tận dụng tốt các cơ hội từ hoạt động chuyển giao công nghệ.
Mới đây, nhiều dự báo kinh tế nhận định, không chỉ trong năm 2017 mà thậm chí tới năm 2023 Việt Nam vẫn là địa điểm đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư trên thế giới. Các nước trong khu vực đều đang có những vấn đề riêng, nên Việt Nam cần phải tận dụng triệt để cơ hội này để FDI thực sự là một nguồn lực quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông Atsusuke Kawada, Trưởng Văn phòng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội cho biết, hiện có rất nhiều hãng sản xuất lớn của Nhật Bản bày tỏ sự quan tâm đầu tư hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, để giảm gánh nặng chi phí cho DN Nhật Bản thì việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của các DN Nhật Bản tại Việt Nam là một yếu tố quan trọng. Ông Atsusuke Kawada kiến nghị, để tận dụng được tốt hơn các cơ hội, Việt Nam cần dành ưu tiên hơn nữa trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là phải tạo điều kiện về vốn cho khối DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực này.