Hiệu ứng lan tỏa từ dòng vốn FDI

(BĐT) - Những số liệu về thu hút và giải ngân FDI vừa được công bố cho thấy dấu ấn đặc biệt của năm 2017 và thành quả của 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài. Có thể vẫn còn đâu đó những góc nhìn khác về dòng vốn FDI, nhưng đóng góp của nó với nền kinh tế, với đất nước trong hành trình đổi mới là vô cùng rõ nét.
Năm 2017, vốn FDI vào VIệt Nam đạt kỷ lục 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với năm 2016. Ảnh: Hoài Tâm
Năm 2017, vốn FDI vào VIệt Nam đạt kỷ lục 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với năm 2016. Ảnh: Hoài Tâm

Khi niềm tin được củng cố

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với năm 2016. Con số này đã vượt xa kỳ vọng 30 tỷ USD đưa ra hồi đầu năm. Vốn thực hiện ước đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2016.

Nhiều dự án tỷ đô đã đăng ký vào Việt Nam trong năm nay như Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá; Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,58 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Khánh Hòa; Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư…

Kết quả thu hút FDI của năm 2017, theo ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, có đóng góp quan trọng của những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ. Nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy một Chính phủ kiến tạo, kinh tế vĩ mô và tình hình chính trị ổn định, tin tưởng rằng những cải cách mạnh mẽ của Chính phủ sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư mới.  Ông Ngân cho rằng, trong năm qua, Chính phủ cũng đã bước đầu kết nối được khu vực FDI và khu vực trong nước.

Theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, làn sóng FDI sẽ còn tiếp nối mạnh mẽ trong nhiều năm tới, nếu Chính phủ tiếp tục có những cải cách, hành động quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh như vừa qua. Một cơ hội tốt khác được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhiều lần nhắc đến là đang có sự chuyển dịch làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam hết sức mạnh mẽ, thay vì băn khoăn giữa nhiều điểm đến như Thái Lan, Indonesia. 

Lan tỏa

Sau 30 năm, đã có hơn 318 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam và 54% số đó đã được thực hiện, đóng góp rất lớn vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội. 58,4% số vốn FDI đăng ký là vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; tiếp theo là kinh doanh bất động sản với 53,1 tỷ USD (chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện, khí, nước với 20,8 tỷ USD (chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư).

Các dự án FDI đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho nhiều địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh..., giúp đổi thay đời sống của bao người. Đóng góp trong tạo công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách nhà nước từ khu vực FDI cũng là điều dễ nhìn thấy.

Khu vực FDI, theo ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, còn tạo ra rất nhiều hiệu ứng tràn hay hiệu ứng lan tỏa đối với nền kinh tế Việt Nam trong hành trình đổi mới, phát triển. Việc mở cửa thu hút dòng vốn FDI đã tác động ngược lại tới khuôn khổ chính sách, thúc đẩy hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế thị trường ngày càng chuẩn mực, minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế. Hoạt động thu hút FDI cũng góp phần mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, tạo thuận lợi để Việt Nam hội nhập thành công, đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Không dễ nhận ra, nhưng sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân trong nước có nhiều đóng góp từ việc mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài. Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam đã làm gia tăng áp lực cạnh tranh, buộc doanh nghiệp trong nước phải đẩy mạnh cải tiến, đổi mới. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước hình thành, lớn mạnh một phần cũng do áp lực cạnh tranh với khu vực FDI. “Cạnh tranh từ khu vực FDI chính là một động lực phát triển cho khu vực kinh tế trong nước”, ông Đặng Xuân Quang nhận định.

Tuy nhiên, sợi dây liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước sẽ vẫn cần kéo gần hơn, chặt chẽ hơn, làm sao để doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng của các công ty nước ngoài, các tập đoàn xuyên quốc gia. Bước đầu đã có nhiều doanh nghiệp Việt trở thành những nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung và bài học này cần được nhân rộng.

Từ phía Chính phủ, giải pháp để thúc đẩy liên kết, theo ông Trần Hoàng Ngân, là tiếp tục có chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, chính sách của Chính phủ chỉ là hỗ trợ, theo ông Nguyễn Mại, chính doanh nghiệp trong nước cũng phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chủ động, tự tin tìm đến doanh nghiệp FDI.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Không thể vì doanh nghiệp trong nước chưa phát triển được mà hạn chế doanh nghiệp nước ngoài, vì FDI vẫn đóng góp lớn cho nền kinh tế. Vấn đề là đẩy mạnh kết nối thông qua chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thị trường… để hai khu vực cùng nhau phát triển”.