Với sự phục hồi nhu cầu thế giới, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sẽ gia tăng trong thời gian tới. Ảnh minh họa: Internet |
Theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Quốc hội quyết nghị chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5 - 25,8%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 27,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27 - 27,5%...
Các dự báo của nhiều tổ chức quốc tế về kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá tương đồng với mục tiêu Quốc hội đặt ra, có thể dao động từ khoảng 5,8 - 7% trong năm 2022. Ngân hàng Phát triển châu Á đưa ra dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5% vào năm 2022. Ngân hàng Thế giới nhận định, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể phục hồi về tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức 6,5 - 7% từ năm 2022 trở đi. Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered đánh giá tốc độ hồi phục kinh tế sẽ gia tăng trong năm 2022 và duy trì dự báo tăng trưởng cho năm tới ở mức 7%...
Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội ban hành Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 với chỉ tiêu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP bình quân 5 năm là 32 - 34%. Theo Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ này của Việt Nam liên tục tăng từ năm 2013 đến năm 2020 và trong 9 tháng năm 2021 là 31,2% (tính trên GDP đánh giá lại). Trong 9 tháng đầu năm 2021, giải ngân đầu tư công đã đạt trên 47% so với kế hoạch.
Do vậy, theo nhận định của ông Đặng Xuân Quang - Phó giám đốc NCIF cho biết tại Diễn đàn "Doanh nghiệp (DN) 2022: Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng" vừa diễn ra, dư địa để thúc đẩy đầu tư công năm 2022 đang rất lớn, đây là cơ hội để huy động nguồn lực đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, năng lượng...). Trong đó, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bố trí vốn cho các dự án đầu tư quan trọng quốc gia, có khả năng triển khai ngay, mạnh đến phát triển các ngành, lĩnh vực và kinh tế - xã hội, môi trường của vùng, địa bàn động lực tăng trưởng.
Theo đó, ông Đặng Xuân Quang nhận định rằng, hiệu ứng của việc triển khai có hiệu quả nguồn lực đầu tư công sẽ kéo theo 5 nhóm ngành dẫn đường.
Có thể thấy rõ nhất là đầu tư công - “vốn mồi” sẽ kích thích đầu tư tư nhân phát triển vào các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo phát triển kỹ thuật số. Từ đó tạo công ăn việc làm cho nhà thầu xây dựng, làm tăng nhu cầu mua sắm nguyên vật liệu xây dựng. Vì thế, các DN sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu xây dựng (xi măng, đất cát, sắt thép, gạch, nội thất…) cũng sẽ có nhiều việc làm hơn trong năm tới.
Tiếp đó là nhóm ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn như điện tử, dệt may, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, cao su, sắt thép… Cùng với sự phục hồi nhu cầu thế giới, đặc biệt là do sự giảm cung từ Trung Quốc, xuất khẩu của DN Việt Nam sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Cùng với sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng trong nước, và được kích thích phát triển thông qua việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, thích ứng với dịch bệnh, DN ngành thực phẩm và đồ uống, bán lẻ và hàng không… sẽ hưởng lợi lớn.
Đại dịch đã làm thay đổi mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng, mua sắm trực tuyến của người dân trong bối cảnh dịch bệnh cũng gia tăng mạnh mẽ, sẽ là lực đẩy khiến thương mại điện tử và logistics tiếp tục bùng nổ trong năm 2022. Với tác động tích cực của các Hiệp định FTA đã ký kết, cùng với sự phục hồi của hoạt động sản xuất, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong nước gia tăng, thương mại quốc tế của Việt Nam sẽ được kỳ vọng sẽ có tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, kéo theo các “toa tàu” là các ngành phụ trợ như thương mại điện tử, logistics… phát triển.
Đi theo xu hướng chung với nhiều quốc gia trong khu vực như Singapore…, nhóm ngành công nghệ thông tin của Việt Nam sẽ có sự phục hồi với mảng phần mềm DN, thiết bị và dịch vụ. “Tiềm năng lớn của các kênh ngân hàng số mở ra xu hướng đầu tư công nghệ và chuyển đổi số trong khối ngân hàng, đang tăng về cả tốc độ lẫn quy mô”, ông Quang nhận định.
Ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng, theo TS. Nguyễn Đức Khương - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, một số công ty vẫn có thể giành được lợi thế. Do đó, DN cần xác định cơ hội tăng trưởng và xem xét lại mô hình kinh doanh, trong đó, kết hợp con người với máy móc, công nghệ để đáp ứng yêu cầu mới từ khách hàng, thị trường và tăng khả năng kháng cự với những cú sốc.
Lấy ví dụ trong lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ, mặc dù năm 2021 ghi nhận các giao dịch về nhà ở không cao, nhưng các giao dịch về những dòng sản phẩm để đầu tư lại rất cao.
Do đó, các DN cần nhận định đúng vấn đề trong năm 2022 để có thể đầu tư đúng và trúng với các phân khúc sản phẩm phù hợp với nhu cầu. Đặc biệt là những phân khúc có khả năng khai thác kinh doanh hiệu quả tốt trong tương lai. Hiện người dân đang thiếu sản phẩm về nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nên các nhà làm chính sách và DN cần quan tâm đến dòng sản phẩm này.