Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp 45% vào GDP (Ảnh: Internet) |
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thiếu đồng bộ
Theo báo cáo của Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có hơn 380.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập mới, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2011 - 2015 (350.000 DN); đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư toàn bộ khu vực DN; đóng góp 45% vào GDP; 31% thu ngân sách nhà nước của toàn bộ khu vực DN; tạo ra 55% tổng số việc làm của cả giai đoạn. Tuy nhiên, sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa không ổn định và thiếu bền vững.
Chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng: “Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa lâu nay chủ yếu là lồng ghép chung chung, chưa có sự tách bạch cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các chương trình hỗ trợ còn nằm rải rác, rời rạc, không gắn kết và xâu chuỗi với nhau để tạo ra tổng thể chuỗi giá trị, sản phẩm không được hỗ trợ theo hệ thống”.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng thẳng thắn chỉ rõ: “Trong 5 năm qua, chúng ta có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng thực tế là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được thụ hưởng nhiều từ những chính sách này. Một số chính sách rơi không đúng mục tiêu được thụ hưởng là doanh nghiệp nhỏ và vừa... Đó là do những chính sách này chưa thực sự hiệu quả, thiếu quy trình chuẩn, các bộ ngành vẫn “mạnh ai nấy làm”, tản mác, không tập trung chính sách, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm, coi trọng việc xây dựng chính sách hỗ trợ.”
Cần tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Có chuyên gia nhận định, giai đoạn 2005 - 2015, tính theo số DN ra - vào thị trường thì số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa gia tăng không nhiều. Nguyên nhân là do doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, từ năm 2016, tình hình sẽ khá hơn nhiều. Dự báo sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gia nhập thị trường vào năm 2020.
Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động hiệu quả, các chuyên gia đề xuất, Nhà nước cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và thống nhất theo hình “xương cá”, từ giải pháp cải cách thể chế; lồng ghép các chính sách thành một quy trình chuẩn mực; cho đến việc vận dụng các mô hình hỗ trợ hiệu quả.
Về cải cách thể chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo Luật dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2016, năm 2017 thông qua và năm 2018 sẽ có hiệu lực, tức là mất khoảng 2 năm. Nhưng nếu chuẩn bị tốt thì có thể chỉ mất 1 năm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không thể chờ thêm 2 năm nữa, mà phải bắt tay hành động ngay từ bây giờ, triển khai Kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kế hoạch này phải được thiết kế theo hướng làm tiền đề, hồn cốt của Luật.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng: “Với nguồn lực hiện nay, Nhà nước không thể trải hết tất cả các lĩnh vực, mà chỉ nên tập trung vào các ngành gắn với chuỗi giá trị, sản phẩm đổi mới sáng tạo mà Việt Nam có lợi thế”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy Fullbright khẳng định rằng: “Nhà nước không thể có đủ nguồn lực để hỗ trợ cho DN. Do đó, cần tập trung nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, liên kết sản suất đổi mới sáng tạo… theo tính chất “vốn mồi”.
Ông Trương Thành Quân, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng: “Hiện nay, năng lực hấp thu các nguồn lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế, từ chính sách hỗ trợ, vốn, công nghệ cho đến hội nhập. Nếu chỉ tiếp cận theo chuỗi giá trị toàn cầu có yếu tố đa cấp thì mãi mãi doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam vẫn chỉ bám vào “đuôi ngựa”, và người dưới cùng luôn phải chịu thiệt. Do đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải phát triển theo chuỗi, cụm liên kết”.