Hóa giải áp lực lạm phát

(BĐT) - Những thông điệp mới nhất từ người đứng đầu Chính phủ vẫn là quyết tâm giữ ổn định kinh tế vĩ mô với mục tiêu lạm phát dưới 4%, đồng thời phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao. Trong bối cảnh nhiều thách thức, để đạt được cả 2 mục tiêu này, Chính phủ cần kiên quyết thực hiện đúng những giải pháp đã đề ra.
Các chuyên gia dự báo mục tiêu lạm phát dưới 4% có thể đạt được với điều kiện Chính phủ phải quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đưa ra. Ảnh: Tường Lâm
Các chuyên gia dự báo mục tiêu lạm phát dưới 4% có thể đạt được với điều kiện Chính phủ phải quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đưa ra. Ảnh: Tường Lâm

Nhiều thách thức

Theo TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính), mục tiêu lạm phát dưới 4% năm nay là theo cách tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới. Từ năm 2017, Việt Nam áp dụng tính chỉ số lạm phát dựa trên bình quân chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của 12 tháng trong năm, thay cách tính bằng cách so sánh chỉ số CPI của tháng 12 năm nay so với CPI của tháng 12 năm trước.

Nhìn lại năm 2016, CPI theo cách tính cũ (so với tháng 12 năm trước) tăng 4,74%, nhưng nếu tính theo tăng giá bình quân chỉ tăng 2,66%. Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu CPI bình quân tăng dưới 4% đã cao hơn năm 2016 khá nhiều. Tuy nhiên, để kiểm soát được con số dưới 4% cũng không phải đơn giản. TS. Ngô Trí Long chỉ ra nhiều thách thức lớn, đó là phải hài hòa với mục tiêu tăng trưởng cao; lãi suất cao so với các nước làm tăng chi phí đầu vào, đồng thời năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp cũng góp phần làm cho chi phí và giá thành sản phẩm tăng; chính sách tiền tệ với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao; bội chi ngân sách nhà nước vẫn lớn, trong khi tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn hiệu quả;…

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thì cho rằng, áp lực lạm phát năm nay là rất lớn, do lượng cung tiền của năm ngoái và năm nay đổ ra khá lớn 16 - 18%, tăng trưởng tín dụng khoảng 18% cũng là khá cao; lộ trình tăng giá một số mặt hàng, dịch vụ cơ bản đang tiếp tục (lương, điện, giáo dục, y tế); giá cả hàng hóa thế giới biến động, trong đó giá dầu dự báo tăng trở lại. 

Giải pháp đã có, quan trọng là nói đi đôi với làm

Tuy nhiều thách thức, nhưng TS. Ngô Trí Long dự báo mục tiêu lạm phát dưới 4% theo cách tính mới là có thể đạt được với điều kiện Chính phủ phải quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đưa ra. Quan trọng nhất là lời nói phải đi đôi với hành động, thực thi phải có thanh, kiểm tra, quy trách nhiệm rõ ràng.

TS. Cấn Văn Lực dự báo lạm phát cả năm nay nếu so với cùng kỳ năm trước (theo cách tính cũ) có thể ở mức tương đương năm trước, khoảng 4,5 - 5%, còn nếu tính lạm phát bình quân thì có thể đạt được mục tiêu dưới 4%. Cơ sở cho dự báo này, theo TS. Cấn Văn Lực là vì năm nay các loại giá cả có tăng lên nhưng không đến mức đột biến. Giá dầu dự kiến tăng 18 - 20%, giá kim loại hàng hóa tăng ở mức độ nhẹ hơn, khoảng 5 - 7%, Việt Nam chỉ bị tác động tăng nhẹ. Ngoài ra, điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong tầm kiểm soát của Chính phủ, nếu cần thiết có thể giãn bớt tiến độ điều chỉnh giá. Một yếu tố nữa củng cố niềm tin mục tiêu lạm phát có thể giữ được là sự điều hành của Chính phủ, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã nhuần nhuyễn, tốt hơn trước.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Trưởng ban Ban Phân tích kinh tế vĩ mô của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, quan trọng nhất là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần đảm bảo tăng trưởng cung tiền ở mức độ hợp lý so với mức hấp thụ của nền kinh tế, trong điều kiện Việt Nam thì mức 15 - 20% là phù hợp. Ông Bình nhận định, khi chịu các sức ép phải đẩy cung tiền lên quá 20% sẽ gây ra các hệ lụy lạm phát, tỷ giá như đã xảy ra những năm trước năm 2011. Trong các năm vừa qua, giữ cung tiền ở mức trên dưới 18% đã đủ sức hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và không gây bùng nổ lạm phát.

Ở góc nhìn ít lạc quan hơn, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu dự báo, nếu theo đuổi cả 2 mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% và lạm phát dưới 4% là bất khả thi. Theo ông Hiếu, trong 2 mục tiêu lớn nhất là ổn định lạm phát, nói cách khác là ổn định tiền đồng và tăng trưởng kinh tế, năm nay phải chọn cái nào là ưu tiên. Nếu muốn ổn định lạm phát, tiền đồng thì chấp nhận lãi suất cao, thắt chặt tiền tệ và chính sách tài khóa, nhưng nếu đặt trọng tâm vào tăng trưởng kinh tế thì phải chấp nhận lạm phát cao hơn.

Ông Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị, năm nay mục tiêu lạm phát đẩy lên 5% là phù hợp, mục tiêu GDP tăng trưởng 6,7% cũng là cao, giảm xuống 6,3% là có thể chấp nhận được. Nếu chấp nhận nới lỏng lạm phát hơn để giúp tăng trưởng kinh tế và giữ ổn định tương đối cho tiền đồng thì thách thức, gánh nặng điều hành sẽ đỡ hơn.

Tin cùng chuyên mục