Hóa giải nguy cơ miền Bắc thiếu điện thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nắng nóng cực đoan trên diện rộng thời gian qua đã khiến lượng tiêu thụ điện của miền Bắc và toàn quốc liên tục lập những đỉnh mới. Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, do là thời điểm cuối mùa khô nên mức nước nhiều hồ thủy điện lớn ở phía Bắc đang xuống thấp. Trong khi đó, trên thực tế nhiều dự án điện nơi đây vẫn “tắc”… Tuy vậy, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, việc cung cấp điện sẽ tiếp tục được đảm bảo.
Việc thiếu điện có thể xảy ra nếu các dự án điện đã được phê duyệt tiếp tục không đảm bảo tiến độ. Ảnh: Nguyễn Thế Anh
Việc thiếu điện có thể xảy ra nếu các dự án điện đã được phê duyệt tiếp tục không đảm bảo tiến độ. Ảnh: Nguyễn Thế Anh

Tiêu thụ điện liên tục lập đỉnh

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân vừa chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các đơn vị thành viên của Tập đoàn về phương án đảm bảo điện cho miền Bắc năm 2022. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện miền Bắc được đặt ra khá nóng.

Tại cuộc họp này, đại diện A0 cho biết, trong nửa đầu năm 2021, tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài dẫn đến nhu cầu phụ tải đỉnh (Pmax) của miền Bắc tăng cao đột biến, nhất là trong những ngày tháng 6 vừa qua. Tuy vậy, đại diện A0 khẳng định, hệ thống vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải cho cả nước và khu vực miền Bắc.

Bước sang năm 2022, theo A0, hệ thống điện vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải cho cả nước và và khu vực miền Bắc nhưng cao điểm mùa hè 2022 sẽ vận hành vô cùng khó khăn.

Nhìn vào thực tế triển khai các dự án điện khu vực miền Bắc hiện nay, nhiều chuyên gia cho biết, nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu, bởi gần như miền Bắc không có các nhà máy nguồn điện mới trong thời gian gần đây, EVN chỉ đang tiến hành mở rộng Thủy điện Hòa Bình.

“Hơn nữa, về nguồn điện, hiện EVN chỉ chiếm một phần công suất của hệ thống, còn lại của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các chủ đầu tư khác. Trong khi đó tiến độ các dự án này vẫn đang gặp nhiều khó khăn: Nhiệt điện Thái Bình 2; Nhiệt điện Na Dương 2, Cẩm Phả 3”, một đại diện EVN cho biết.

Về lưới điện, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho hay, một số dự án lưới điện truyền tải điện miền Bắc vẫn “tắc” về mặt bằng, dẫn đến tiến độ dự án chưa đáp ứng được yêu cầu. Điển hình là Dự án Đường dây 500kV Tây Hà Nội - Thường Tín – một trong những dự án trọng điểm đang chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Theo yêu cầu, dự án này phải hoàn thành trong tháng 3/2020, nhưng đến nay vẫn còn vướng tại 2 khoảng néo.

Thông tin thêm, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) cho biết, theo kế hoạch, năm 2021, NPMB khởi công 12 dự án, đóng điện 23 dự án. Đến nay, một số dự án có nguy cơ chậm tiến độ khởi công do tiềm ẩn rủi ro trong thực hiện các thủ tục đầu tư như: Dự án Đường dây 220 kV Phong Thổ - Than Uyên và Dự án Đường dây 220 kV Than Uyên - TBA 500 kV Lào Cai…

Trong khi đó, thời tiết được dự báo vẫn có những diễn biến bất thường, nắng nóng vẫn có thể tiếp diễn, nhu cầu dùng điện sẽ còn tăng mạnh.

Đảm bảo cung ứng điện

Trước nguy cơ thiếu điện cho miền Bắc, Lãnh đạo EVN cho hay, EVN đã tính toán và xây dựng kịch bản trong tình huống này và đề ra một số giải pháp nhằm tiếp tục đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, đặc biệt trong mùa nắng nóng năm nay.

Cụ thể, EVN liên tục cập nhật các kế hoạch vận hành, cân đối cung cầu đến hết mùa khô hoặc đến hết năm. Lập các phương án kiểm tra là các kịch bản có nhu cầu phụ tải tăng cao, diễn biến thủy văn kém… để chuẩn bị phương án đảm bảo cung cấp điện trong mọi tình huống…

EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên có các giải pháp ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 để đảm bảo và đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện nhằm giải toả công suất nguồn năng lượng tái tạo và các công trình lưới điện, đảm bảo cấp điện cho khách hàng, tạo mọi điều kiện, hỗ trợ các chủ đầu tư sớm đưa nguồn điện mới vào vận hành đúng tiến độ.

Để đảm bảo điện cho miền Bắc năm 2022, tại cuộc họp trên, A0 đưa ra 3 phương án. Ở cả 3 phương án này, EVN khẳng định đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia lĩnh vực năng lượng nhận định, nguy cơ miền Bắc thiếu điện trong 1 - 2 năm tới là rất ít, bởi vấn đề cung ứng điện tại đây chưa phải là căng thẳng. Tuy nhiên, việc thiếu điện cũng có thể xảy ra nếu các dự án điện đã được phê duyệt tiếp tục không đảm bảo tiến độ. “Vì vậy, ngoài đảm bảo tiến độ các dự án điện; tăng cường sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả thì đây cũng là thời điểm để Việt Nam thúc đẩy thị trường mua bán điện cạnh tranh, giúp hệ thống vận hành đảm bảo, người tiêu dùng có được giá điện phù hợp”, ông Sơn nói.

Tin cùng chuyên mục