Hóa giải thách thức tăng trưởng kinh tế 2024

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vượt qua nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự báo ở mức trên 5%. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dù thấp hơn mục tiêu song đây là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung toàn cầu. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn đang đối mặt nhiều thách thức trong những tháng cuối năm nay và năm sau. Do đó, cần tiếp tục các chính sách hỗ trợ tài khóa mạnh mẽ và hiệu quả, khơi thông dòng vốn tín dụng và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Thị trường bất động sản được gỡ khó sẽ tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, từ đó hỗ trợ tín dụng, góp phần khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng GDP Ảnh: Song Lê
Thị trường bất động sản được gỡ khó sẽ tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, từ đó hỗ trợ tín dụng, góp phần khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng GDP Ảnh: Song Lê

Bộc lộ nhiều hạn chế

Phát biểu tại Nghị trường, bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, trong năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng trong chỉ đạo, điều hành, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023 của nước ta cơ bản vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, từ quý IV/2022, kinh tế tăng trưởng chậm lại, ngoài nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ”, các động lực tăng trưởng về “đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng” đều khó khăn, giảm tốc, tăng trưởng thấp.

Kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn tín dụng ngân hàng nhưng hệ thống ngân hàng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu; tỷ lệ nợ xấu nội bảng hết tháng 7/2023 đã vượt mức 3% (là 3,56%) dù nhiều khoản nợ đã được gia hạn, giãn tiến độ trả nợ theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tỷ giá có những biến động mạnh, trong tháng 8/2023, đỉnh điểm có lúc VND mất giá 2,3% so với đầu năm, đây là vấn đề cần quan tâm theo dõi, đặc biệt trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn có khả năng tiếp tục tăng lãi suất và kéo dài chính sách tiền tệ thắt chặt.

Ông Trần Văn Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, KTXH và ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm cũng như ước thực hiện năm 2023 còn bộc lộ nhiều hạn chế. Có 5 chỉ tiêu khó đạt hoặc không đạt mục tiêu, trong đó phần lớn là những chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng kinh tế, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, tốc độ tăng năng suất lao động.

Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị Chính phủ chỉ rõ các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể và trách nhiệm trong việc thực hiện từ nay đến hết năm 2023 đối với từng cơ quan từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng nêu nhiệm vụ, giải pháp chung chung nhưng không rõ trách nhiệm, dẫn đến hiệu quả triển khai không đạt kết quả như mong muốn. Về dự kiến kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước năm 2024, ông Tiến cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5% là cao và đề nghị xây dựng kịch bản tăng trưởng từ 5,5 - 6%.

Hai điểm khó khăn rõ nhất hiện nay là tiếp cận tín dụng và thị trường bất động sản. Chính phủ đã bước đầu có các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản song vẫn chưa đủ, còn nhiều điểm vướng liên quan đến Luật Đất đai. Do đó, nên xem xét việc rà soát tổng thể, có giải pháp đúng và giải quyết căn cơ các vướng mắc của thị trường.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn TP. Hà Nội cho rằng, tăng trưởng GDP năm nay dự kiến đạt khoảng 5%, dù thấp hơn mục tiêu (6 - 6,5%), song vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới chung. Đáng chú ý, sau đại dịch, xảy ra tình trạng làn sóng nợ trên thế giới, nợ công của nhiều quốc gia tăng, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó trả nợ. Trong khi đó, chúng ta kiểm soát tốt hơn, nợ công có xu hướng giảm, dự báo ở mức 39 - 40% GDP. Về nợ trái phiếu doanh nghiệp, nhờ các giải pháp linh hoạt, uyển chuyển nên đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã quay lại nhịp độ hoạt động. Đây là thành công ấn tượng trong công tác điều hành kiên quyết, cứng rắn nhưng linh hoạt thích nghi trong khó khăn.

Tuy nhiên, ông Cường lưu ý, năm 2023, tình trạng trì trệ trong nền kinh tế diễn ra khá phổ biến. Trong khu vực công, nhiều cán bộ không dám nghĩ, dám làm và sợ trách nhiệm. Trong khu vực tư, nhiều doanh nghiệp không có khả năng tăng trưởng dù lãi suất vay đã giảm đáng kể. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gần như đã ở tình trạng bão hòa. “Đây là điều đáng suy nghĩ, bởi nếu không có giải pháp đột phá thì có thể rơi vào tình trạng “giậm chân tại chỗ” và triển vọng kinh tế năm 2024 sẽ tiếp tục khó khăn”, ông Cường nhấn mạnh.

Cần các giải pháp cụ thể

Để tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2024, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trong ngắn hạn cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tài khóa cần thực sự hiệu quả. Cụ thể, nên ban hành ngay Nghị quyết về tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm 2024. Đồng thời, cần tiếp tục thực hiện các chính sách như giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, bởi đây là chính sách có thể thực thi ngay mà không lo ngại vi phạm các cam kết quốc tế.

Kích cầu đầu tư công và đầu tư tư nhân là một trong những giải pháp tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Ảnh: Lê Tiên

Kích cầu đầu tư công và đầu tư tư nhân là một trong những giải pháp tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Ảnh: Lê Tiên

Về dài hạn, ông Cường cho rằng, cần nắm bắt cơ hội từ xu hướng đầu tư của các tập đoàn nước ngoài lớn nhờ kết quả của hoạt động ngoại giao kinh tế trong thời gian qua, đặc biệt là sau khi Việt - Mỹ xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. “Với cơ hội lớn như vậy, chúng ta cần có chiến lược hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước để họ có thể hợp tác với các đối tác nước ngoài, không chỉ để tiếp nhận vốn đầu tư mà còn chú trọng nâng cao năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Cường nhấn mạnh.

Từ góc độ khác, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, các giải pháp được Chính phủ đề ra là phù hợp, song vẫn còn chung chung. Do đó, cần có các giải pháp cụ thể theo từng vấn đề.

“Hai điểm khó khăn rõ nhất hiện nay là tiếp cận tín dụng và thị trường bất động sản. Chính phủ đã bước đầu có các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản song vẫn chưa đủ, còn nhiều điểm vướng liên quan đến Luật Đất đai. Do đó, nên xem xét việc rà soát tổng thể, có giải pháp đúng và giải quyết căn cơ các vướng mắc của thị trường. Thị trường bất động sản được gỡ khó sẽ tạo tính lan tỏa đến các thị trường khác như nguyên vật liệu, nội thất…, từ đó hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, góp phần khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, để bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong 3 tháng cuối năm 2023 và năm 2024, Chính phủ quan tâm một số nội dung. Một là, kích cầu tiêu dùng, trong đó có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng. Hai là, kích cầu đầu tư công và đầu tư tư nhân, trong đó ưu tiên kích cầu đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để tổng cầu của nền kinh tế tăng lên. Ba là, thúc đẩy xuất khẩu, duy trì cán cân thương mại bền vững.

Tin cùng chuyên mục