Hóa giải thách thức tiết kiệm năng lượng

(BĐT) - Ngành năng lượng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức do nguồn năng lượng trong nước hạn chế và nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao, trong khi nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp còn sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng.
Khởi động Dự án Hỗ trợ Việt Nam tăng cường tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp. Ảnh: Hoài Tâm
Khởi động Dự án Hỗ trợ Việt Nam tăng cường tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp. Ảnh: Hoài Tâm

Theo Bộ Công Thương, trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng quốc gia, các ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất với khoảng 47,3% tổng năng lượng cuối cùng. Tăng trưởng công nghiệp là một trong những yếu tố chính làm cho cường độ năng lượng của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao so với các nước trên thế giới.

Trong thời gian tới, để tăng trưởng 1% GDP, Bộ Công Thương cho rằng, ngành năng lượng cần phải đạt tỷ lệ tăng trưởng từ 1,7 - 2%/năm. Với nhu cầu năng lượng cao như vậy, Việt Nam cần phải đầu tư khoảng 5 - 7 tỷ USD/năm cho ngành năng lượng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Tìm giải pháp cho vấn đề này, Chính phủ Việt Nam một mặt vừa tích cực đầu tư phát triển các dự án nguồn điện, mặt khác tích cực triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng. Nhằm giúp doanh nghiệp (DN) công nghiệp Việt Nam tiết kiệm năng lượng trong sản xuất kinh doanh, sáng 5/3 tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới (WB) đã phối hợp khởi động Dự án Hỗ trợ Việt Nam tăng cường tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp với tổng giá trị là 102 triệu USD.

Thông qua Dự án, các DN công nghiệp sẽ tiếp cận được nguồn vốn mới để đầu tư công nghệ hiệu quả năng lượng, tối ưu hóa sản xuất, qua đó giảm tiêu thụ năng lượng và chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Với sự hỗ trợ của Dự án, các tổ chức tài chính và các DN trong ngành công nghiệp sẽ có thể chuẩn bị, đánh giá và thẩm định các dự án tiết kiệm năng lượng. Điều này sẽ tạo ra một hướng kinh doanh mới để các tổ chức tài chính cung cấp vốn vay cho các khoản đầu tư nâng cao hiệu quả năng lượng trong ngành công nghiệp, giúp các tổ chức này mở rộng các khoản cho vay về hiệu quả năng lượng trong các ngành công nghiệp.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhìn nhận, trong bối cảnh này, việc thực hiện và thúc đẩy đầu tư vào tiết kiệm năng lượng sẽ mang lại nhiều lợi ích như giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính và tránh phải đầu tư vào các nhà máy điện than mới.

Để tăng trưởng 1% GDP, Bộ Công Thương cho rằng, ngành năng lượng cần phải đạt tỷ lệ tăng trưởng từ 1,7 - 2%/năm. Với nhu cầu năng lượng cao như vậy, Việt Nam cần phải đầu tư khoảng 5 - 7 tỷ USD/năm cho ngành năng lượng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Đại diện WB cho biết, kinh phí trong Dự án sẽ được các định chế tài chính tham gia cấp cho các DN công nghiệp vay vốn để đầu tư vào các tiểu dự án về tiết kiệm năng lượng.

Liên quan vấn đề này, cuối năm 2017, trong khuôn khổ Dự án Cải cách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng xanh do Chính phủ Đức tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã hoàn thiện một báo cáo về khuyến khích DN nhỏ và vừa ngành công nghiệp phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Theo báo cáo, hiện hầu hết các DN Việt Nam, nhất là các DN nhỏ và vừa trong ngành công nghiệp còn chưa tiết kiệm trong việc sử dụng năng lượng.

“75% số DN chế biến, chế tạo ở Hà Nội được điều tra cho rằng, mức tiêu thụ năng lượng của DN lớn hơn mức trung bình của thế giới”, báo cáo chỉ ra và phân tích, phần lớn DN sử dụng công nghệ cũ tiêu tốn nhiều năng lượng. Nguyên nhân chính là do DN nhận thức chưa đầy đủ; hoặc thiếu vốn đầu tư máy móc kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng; hoặc chưa biết khai thác các nguồn năng lượng tái tạo… trong khi dư địa là rất lớn. Từ kết quả nghiên cứu, CIEM cũng đề xuất nhiều giải pháp giúp các DN công nghiệp Việt Nam tiết kiệm năng lượng.

Trong 2 tháng đầu năm 2018, kết quả từ các báo cáo kinh tế cho thấy, có một tín hiệu vui đối với hoạt động tiết kiệm năng lượng ngành công nghiệp. Báo cáo tình hình đăng ký DN trong 2 tháng đầu năm 2018 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây cho thấy, số lao động đăng ký của DN thành lập mới là 156.410 lao động, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2017. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM nhìn nhận, số lượng lao động/DN giảm có thể là do DN đã chú trọng đầu tư máy móc, công nghệ hơn trước. Đây cũng là giải pháp giúp DN tiết kiệm năng lượng.