Hoàn thiện khung pháp lý cho đầu tư mạo hiểm

(BĐT) - Dự thảo Thông tư hướng dẫn về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của Quỹ Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện. 
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Trao đổi với Báo Đấu thầu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, Dự thảo có những điểm mở khuyến khích đầu tư nguồn vốn hợp pháp cho các dự án khởi nghiệp thực sự có triển vọng.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam nói chung cũng như cộng đồng khởi nghiệp nói riêng vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn. Thứ trưởng nhận định thế nào về thực tế này?

Quá trình khảo sát thực tiễn cho thấy, có rất nhiều sản phẩm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ của người Việt rất tốt, được đánh giá cao về chất lượng và khả năng cạnh tranh. Nếu có cơ chế hỗ trợ ban đầu và sự trợ giúp kịp thời cho các nhà sáng chế, nhà khoa học hay nói chung là người khởi nghiệp để biến những ý tưởng này trở thành sản phẩm hiện thực thì họ hoàn toàn có thể phát triển lớn lên. Vấn đề quan trọng là chúng ta cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cho DN khởi nghiệp ngay từ giai đoạn sơ khai, hình thành ý tưởng nhưng lại thiếu vốn để triển khai.

Hoàn thiện khung pháp lý cho đầu tư mạo hiểm ảnh 1
Ông Đặng Huy Đông
Theo ông, Quỹ Đầu tư mạo hiểm liệu có đáp ứng được kỳ vọng về một làn sóng khởi nghiệp sáng tạo?

Quỹ Đầu tư mạo hiểm là công cụ quan trọng để huy động vốn và đầu tư, hiện thực hóa các ý tưởng đổi mới sáng tạo của những người khởi nghiệp. Bước đầu là khó nhất. Các bạn trẻ khởi nghiệp thường huy động vốn từ gia đình, bạn bè, người thân nhưng cũng chỉ trong giới hạn. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu về vốn thì việc kêu gọi, huy động được những dòng vốn đầu tư mạo hiểm là kênh hữu hiệu nhất. Bên cạnh đó, cũng thông qua Quỹ này, các cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu có thể tìm kiếm những sản phẩm nhiều triển vọng thành công để tiến hành đầu tư. 

Hiện nay phần lớn các quỹ đầu tư trong và ngoài nước có dành cho đầu tư khởi nghiệp hầu như đều thành lập và hoạt động theo Luật Chứng khoán. Xin ông cho biết Quỹ Đầu tư mạo hiểm sẽ có điểm gì khác biệt?

Phải xác định rõ ngay từ đầu là Quỹ Đầu tư mạo hiểm hoàn toàn khác với những quỹ đầu tư chứng khoán. Hiện nay nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa hai loại hình quỹ này. Đối tượng đầu tư trong chứng khoán thường là các công ty đã và đang hoạt động, có sản phẩm/hàng hóa trên thị trường, đã có doanh thu và thậm chí đã niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong khi đó, Start-up có thể là các cá nhân/nhóm cá nhân có ý tưởng sáng tạo đang trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh và hình thành mô hình kinh doanh tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có khả năng tăng trưởng nhanh. Do đó, quỹ đầu tư chứng khoán thường đầu tư vào những doanh nghiệp đã hoạt động trên thị trường, có sản phẩm được thương mại hóa. Trong khi đó, quỹ đầu tư mạo hiểm lại nằm ở giai đoạn trước khi sản phẩm được thương mại hóa, nên cách nhìn nhận, ứng xử, đánh giá và quản lý quỹ sẽ phải khác.

Dự thảo Thông tư đưa ra một khung khổ pháp lý mang tính định hướng dựa trên những cam kết về hàng loạt điều kiện ràng buộc giữa nhà sáng chế, sáng tạo hay chủ của những ý tưởng đổi mới với những người cấp vốn. Các cam kết này dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản và Nhà nước sẽ không can thiệp vào quan hệ này. Phải nhìn nhận đây là nguồn tài chính hợp pháp trong xã hội thì mới khuyến khích các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư, chứ nếu có sự can thiệp của Nhà nước và hình sự hóa các quan hệ thì sẽ không ai dám làm nữa cả. 

Được biết, Dự thảo Thông tư có quy định không được dùng vốn vay ngân hàng để góp vào Quỹ Đầu tư mạo hiểm? Liệu quy định này có hạn chế nguồn vốn huy động vào Quỹ không, thưa Thứ trưởng?

Cần phải tách vốn vay ngân hàng ra để tránh nhập nhằng trong đầu tư. Kể cả nếu không quy định thì thực tế ngân hàng sẽ không cho vay bởi nếu ngân hàng nhảy vào cho vay thì đó sẽ là quỹ của ngân hàng về đầu tư mạo hiểm. Hơn nữa, khi sản phẩm chưa được thương mại hóa thì ngân hàng cũng sẽ rất khó để thẩm định dự án và quyết định cho vay. Vì vậy, quy định tách ra như vậy để đảm bảo không tạo ra kẽ hở, tránh rủi ro cho hệ thống tín dụng ngân hàng.

Tin cùng chuyên mục