Ảnh Internet |
Cần hoàn thiện khung pháp lý về PPP
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để thi hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, nhưng theo Nhóm công tác kết cấu hạ tầng của VBF, vẫn còn nhiều việc phải làm để xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về PPP nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kết cấu hạ tầng (KCHT) tại Việt Nam.
Trước tiên, Nhóm công tác kết cấu hạ tầng đề xuất Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn về Quỹ bù đắp thiếu hụt về tài chính của dự án (VGF) và Quỹ phát triển dự án (PDF). PDF cung cấp nguồn lực để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập dự án, trong khi VGF đóng vai trò quan trọng để bảo đảm tính khả thi về tài chính và kinh tế của dự án. Hai nguồn vốn hỗ trợ này sẽ góp phần xây dựng một cơ chế đầu tư PPP tập trung hơn.
Từ kết quả thực hiện các dự án KCHT trong 18 tháng qua, Nhóm công tác KCHT lo ngại, mục đích của cơ chế đầu tư PPP khó đạt được nếu những dự án KCHT đều do DN trong nước thực hiện, sử dụng nguồn vốn vay từ các ngân hàng có vốn sở hữu của Nhà nước. Trong khi đó, mục đích của cơ chế đầu tư PPP là tạo ra được các dự án có hiệu quả cao, huy động được nguồn vốn vay chỉ dựa hoàn toàn vào tài sản bảo đảm mà không được phép truy đòi thêm và do đó giảm thiểu được gánh nặng vốn đầu tư công.
Theo các chuyên gia của VBF, Chính phủ nên linh hoạt trong việc lựa chọn đầu tư theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP hay Luật Đầu tư. Không nhất thiết các dự án KCHT đều phải áp dụng cơ chế PPP, mà có thể thực hiện và hưởng các ưu đãi theo theo Luật Đầu tư. Các dự án phát triển KCHT không theo mô hình PPP cho đến nay vẫn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển chung của Việt Nam. Do đó, các dự án kiểu này vẫn cần tiếp tục được khuyến khích, nếu không đòi hỏi phải có sự hỗ trợ về tài chính từ phía Nhà nước.
Một số bất cập khác cũng được Nhóm công tác kết cấu hạ tầng của VBF chỉ ra, như tình trạng cấp phép chồng chéo theo hình thức hợp đồng BOT; nhiều đề xuất dự án PPP chưa thực tế, hoặc ở quy mô quá nhỏ, hay vai trò của bên tư nhân chỉ mang tính hình thức.., không thu hút được nhà đầu tư quan tâm. Cơ chế phân chia rủi ro và các nguyên tắc về nhượng quyền áp dụng đối với các dự án PPP giao thông vẫn chưa được hoàn thiện, quy trình đấu thầu còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng…
Tháo gỡ khó khăn về thủ tục
Đối với những kiến nghị của Nhóm công tác Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, đây là những vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý, thể chế và tổ chức thực hiện. Vừa rồi, Thủ tướng cũng đã có những chỉ đạo rất quyết liệt như thành lập mới Ban Chỉ đạo cấp nhà nước về PPP, giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu sửa đổi Nghị định 15/2015/NĐ-CP. Trong quá trình sửa đổi Nghị định, Ban soạn thảo sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan để tiến hành nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các nhà đầu tư cũng như đối tác phát triển quan tâm.
Đối với VGF, hiện Bộ KH&ĐT đã xúc tiến với các nhà tài trợ như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để có những nguồn hỗ trợ hình thành Quỹ. Đối với PDF, Bộ KH&ĐT đang phối hợp với Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn và gần đây có đưa 26,5 triệu USD vốn vay của ADB và AFD vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bộ KH&ĐT cũng đang trình Thủ tướng danh mục 68 dự án PPP, trong đó có 18 dự án ưu tiên trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Đối với các vấn đề khác, trong quá trình sửa đổi Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, Chính phủ sẽ dần tháo gỡ những khó khăn trong thủ tục cấp phép theo hướng đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư. Chính phủ sẽ tiếp thu những ý kiến xác đáng của các nhà đầu tư, các nhà tài trợ, đối tác phát triển để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về PPP.