Hoạt động ngân hàng 2022: Tích cực nhưng chưa thể lạc quan

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc thực hiện các giải pháp tiền tệ hỗ trợ hồi phục kinh tế có thể tiềm ẩn một số rủi ro cho hoạt động của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, nếu các chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách tiền tệ, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế nhanh chóng quay trở lại nhịp tăng trưởng thì có thể kỳ vọng vào triển vọng khả quan của ngành ngân hàng trong thời gian tới.
Triển vọng của ngành ngân hàng sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả thực thi chính sách hỗ trợ hồi phục kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Triển vọng của ngành ngân hàng sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả thực thi chính sách hỗ trợ hồi phục kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, một số biện pháp nổi bật của chính sách tiền tệ là: nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 1% trong năm 2022 và 2023; tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, điều tiết thanh khoản phù hợp, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất…

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, đó là những biện pháp đã thực hiện từ năm 2020 và tiếp tục được áp dụng trong năm 2022 và 2023. Các giải pháp đó giúp ngân hàng có thêm nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro với sức khỏe tài chính của ngân hàng.

“Với việc gia hạn và chưa chuyển nhóm nợ, nợ xấu thực chất của các ngân hàng cao hơn nhiều con số được công bố. Việc hoãn siết (giảm) tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn làm lộ trình củng cố tài chính của các ngân hàng chậm lại. Yêu cầu giảm lãi vay cũng sẽ khiến nhiều nhà băng gặp khó khăn do áp lực tăng lãi suất huy động trên thị trường hiện hữu. Do đó, trong năm sau, lợi nhuận và các chỉ báo tài chính của các ngân hàng có thể ở mức tích cực nhưng chưa thể lạc quan”, ông Hiếu nói.

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, việc kéo dài chính sách hỗ trợ có thể khiến các ngân hàng “đau đầu” với các bài toán rủi ro. Bên cạnh đó, một phần của chính sách tài khóa về việc “hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua” cần chú trọng xem xét trong quá trình thực thi.

“Các giải pháp tiền tệ sẽ giúp ngân hàng thương mại tiếp tục có tình trạng tài chính tốt và dồi dào nguồn lực để cung cấp vốn cho doanh nghiệp và hỗ trợ những nhóm đối tượng khó khăn. Do đó, trong ngắn hạn, lợi nhuận và các chỉ báo tài chính của nhiều ngân hàng có thể vẫn khả quan dù nợ xấu tiềm ẩn vẫn là con số khó tính toán cụ thể”, ông Linh chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Linh, chính sách hỗ trợ lần này là toàn diện, bao gồm cả tài khóa và tiền tệ nhằm giúp doanh nghiệp và nền kinh tế hồi phục. Bên cạnh đó, Nghị quyết nêu rõ quan điểm hỗ trợ có tính ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm đồng thời với việc chú trọng việc quản trị thực thi chính sách. Trong đó, cơ quan trung ương và địa phương đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.

“Về trung và dài hạn, nếu các giải pháp tài khóa - tiền tệ phát huy tác dụng, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế nhanh chóng hồi phục, ngân hàng sẽ nhanh chóng củng cố tiềm lực tài chính, gia cố các tấm đệm ứng phó và dần dần giảm rủi ro tiềm ẩn. Hay nói cách khác, triển vọng của ngân hàng nói riêng và các ngành khác nói chung sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả thực thi chính sách hỗ trợ. Do đó, cần chú trọng thực thi một cách công khai, minh bạch, giám sát thực thi nghiêm túc”, ông Linh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục