Hiệp định EVFTA sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới. Ảnh: Nhã Chi |
Quyết định này là bước pháp lý cuối cùng theo thủ tục phê chuẩn nội bộ của EU để Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Hiện EVFTA chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định của Hiệp định (dự kiến là 30 ngày kể từ ngày thông báo) là sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam.
Về phía Việt Nam, ngày 24/3/2020, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo bộ hồ sơ của Chính phủ trình Chủ tịch nước để xem xét, quyết định trình Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định.
Đồng thời, để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định, theo kiến nghị của Bộ Công Thương, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chủ động rà soát triển khai ngay việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi EVFTA.
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD. Do vậy, Hiệp định EVFTA sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, EVFTA vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.