Theo đại diện của Công ty Beepro, toàn bộ số cây cổ thụ sẽ tiếp tục được theo dõi, chăm sóc và sớm bàn giao lại cho UBND TP. Hà Nội để trồng lại. |
Tháng 8/2016, Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp phép cho Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội được phép chuyển, chặt hạ, cắt tỉa tổng cộng 109 cây. Việc dịch chuyển, chặt hạ do công ty cổ phần Beepro thực hiện trong tháng 10/2106 và di dời về vườn ươm tại xã Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội). Kinh phí do Ban Quản lý các dự án đường sắt đô thị Hà Nội chi trả.
Tới nay (tháng 3/2017), hầu hết các cây được chuyển về vườn ươm xã Đa Tốn đã nẩy lộc và có sức sống khá tốt.
Theo ông Trần Khánh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Beepro, tỷ lệ sống sót của hơn 100 cây xanh được di chuyển về vườn ươm là hơn 90%. Tỷ lệ này cao hơn khá nhiều so với mục tiêu ban đầu của công ty là khoảng 80%. Trong hơn 100 cây chuyển về vườn ươm, có tổng cộng 34 cây xà cừ và hơn 70 cây bao gồm: phượng, bằng lăng, hoa sữa.
Theo ông Toàn, sau khi chuyển về ườn ươm, các nhân viên đã phải tiến hành che chắn thân cây bằng rơm cũng như những vỏ bao tải cùng với chất mùn để giữ ẩm, tránh mất hơi nước, bảo vệ khỏi các tia bức xạ mặt trời, cách ly nhiệt độ môi trường và giữ nhiệt độ cho thân cây.
Không chỉ thân cây, công tác chăm sóc bộ rễ các cây chuyển về cũng rất phức tạp và công phu, với việc đắp đất phải đáp ứng theo đúng quy trình kỹ thuật 3 lần, mỗi lần có tính chất công việc khác nhau.
Trong đó, lần đầu là giữ cho đất bám vào rễ cây để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, cũng như tạo sự kích thích cho bộ rễ phát triển; lần thứ hai là đắp một lớp đất nhằm mục tiêu tăng cường độ ẩm cũng như tạo chất dinh dưỡng cho cây; lần thứ ba là đắp một lớp đất có tác dụng như một thảm bì để giúp gốc cây tránh bị sói mòn, kích thích bộ rễ phát triển, giữ cho cây không bị rung lắc khi thời tiết không thuận lợi.
Đáng chú ý, việc đắp đất không thực hiện đồng loạt cho tất cả các cây mà phải kiểm tra từng cây, xem lượng rễ thế nào, khả năng phát triển ra sao để tiến hành cho phù hợp.
Ngoài ra, ông Thành cũng cho biết, việc di dời số cây xanh trên đường Kim Mã được thực hiện vào thời điểm giáp ranh giữa các mùa, nhiệt độ thay đổi đột ngột cũng là khó khăn không nhỏ trong quá trình hồi sinh các cây được chuyển về vườn ươm.