Hơn 955 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng vào Đồng bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 11/2022, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), huy động vốn đạt 718.905 tỷ đồng, tăng 8,68% so với cuối năm 2021; dư nợ đạt 955.451 tỷ đồng, tăng 13,53%.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Một số mặt hàng nông sản chủ lực của khu vực có mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng, cụ thể: dư nợ ngành thủy sản đạt 112.455 tỷ đồng, tăng 16% và chiếm gần 54% dư nợ thủy sản toàn quốc; dư nợ ngành lúa gạo đạt 89.388 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cuối năm 2021 và chiếm gần 55% dư nợ lúa gạo toàn quốc; dư nợ ngành rau quả đạt 19.441 tỷ đồng và chiếm khoảng 21% dư nợ rau quả toàn quốc.

Ông Hoàng Minh Nhật, Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật - công ty trong lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo - cho biết, năm 2022, Vietcombank dành cho Công ty hạn mức vốn tăng 20% so với năm trước và 4 lần hỗ trợ lãi suất từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay. "Mặc dù hỗ trợ lãi suất rất tốt với người kinh doanh, doanh nghiệp mong muốn tiếp cận vốn dễ dàng, kịp thời mùa vụ hơn", ông Nhật cho hay.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Aria Đồng Tháp, trong 2 quý cuối năm, hoạt động xuất khẩu cá tra của Công ty gặp khó khăn do cuộc xung đột tại Ukraine và việc các quốc gia thi nhau phá giá đồng nội tệ. Vấn đề tỷ giá có ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất khẩu, vì vậy, ông Hải kiến nghị ngành ngân hàng cần giữ ổn định mặt bằng tỷ giá và giảm lãi suất.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nêu kiến nghị, thời gian tới ngành ngân hàng cần có giải pháp tín dụng phù hợp cho đặc thù của ngành nghề thủy sản, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương phát huy hết năng suất đáp ứng các đơn hàng trong tháng cao điểm cuối năm 2022. Đồng thời, mở rộng tín dụng, tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng để thực hiện sản xuất, kinh doanh.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, năm 2022, Agribank đã ưu tiên giao kế hoạch tăng trưởng tín dụng cho khu vực ĐBSCL là 11,6%, tương đương với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 23.000 tỷ đồng.

Đến nay, Agribank đã đầu tư tín dụng cho Khu vực hơn 217.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2021, chiếm 15% tổng dư nợ của Ngân hàng. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (NNNT) là 180.000 tỷ đồng với 670.000 khách hàng, chiếm 83% dư nợ cho vay của Khu vực. Đáng chú ý, mặc dù thị phần tín dụng của Agribank tại ĐBSCL chỉ chiếm 22,6% nhưng thị phần tín dụng đối với lĩnh vực NNNT chiếm tới 40%.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, Ngân hàng cam kết dành hạn mức giải ngân thêm 5.000 tỷ đồng và giảm lãi suất 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng với dư nợ bằng đồng Việt Nam đối với nhu cầu thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực ĐBSCL.

Ông Nguyễn Việt Cường - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, Vietcombank được NHNN giao tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 18,53%, tương đương với mức tăng dư nợ gần 200.000 tỷ đồng. Vietcombank có 16 chi nhánh hoạt động tại khu vực ĐBSCL với mức tăng trưởng dư nợ trên 14%. Tính đến 30/11/2022, Ngân hàng đã hỗ trợ cho các khách hàng tại Khu vực với doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất gần 300 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục