Họp các quan chức cao cấp chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mê Công lần thứ 6

Ngày 12/3, tại Hà Nội, đại diện các quan chức cao cấp các nước trong cơ chế hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam, cùng với đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã họp về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh GMS sẽ diễn ra từ 29-31/3/2018 tại Hà Nội.

Hội nghị Bộ trưởng các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ 22, tổ chức ngày 20/9/2017. Ảnh: TTXVN
Hội nghị Bộ trưởng các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ 22, tổ chức ngày 20/9/2017. Ảnh: TTXVN

Tại cuộc họp, các bên đã thảo luận về chương trình nghị sự, nội dung các văn kiện sẽ trình các nhà lãnh đạo và các thu xếp về lễ tân, hậu cần, báo chí của Hội nghị.

Sáng kiến hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khởi xướng năm 1992. Các nước thành viên của tiểu vùng Mê Công mở rộng gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Hợp tác GMS nhằm mục tiêu thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc), đưa tiểu vùng Mê Công mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở khu vực.

Các sáng kiến và hoạt động trong chương trình GMS tập trung vào 10 lĩnh vực chính bao gồm: Giao thông vận tải, Năng lượng, Môi trường, Du lịch, Thông tin Viễn thông, Thương mại, Đầu tư, Phát triển Nguồn nhân lực, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phát triển Đô thị. Năm 2002, các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng đã ráp nối các cách tiếp cận ngành khác nhau với các chương trình và dự án đi kèm thành một Khung chiến lược toàn diện để phát triển Tiểu vùng - Khung Chiến lược GMS, tập trung vào 5 lĩnh vực: Tăng cường liên kết hạ tầng; Thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch xuyên biên giới; Đẩy mạnh sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân và tăng cường năng lực cạnh tranh; Phát triển nguồn nhân lực; Bảo vệ môi trường, thúc đẩy sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Việt Nam tham gia tích cực Chương trình hợp tác kinh tế GMS ngay từ khi Chương trình này được thành lập vào năm 1992. Sự tham gia của Việt Nam mang nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần gia tăng liên kết kinh tế khu vực. Tính đến tháng 12/2016, các dự án hợp tác trong GMS tại Việt Nam có quy mô đạt 5,63 tỷ USD, chiếm 29% tổng số khoản vay, trợ cấp của GMS. Trong đó, lĩnh vực giao thông chiếm 87%; các lĩnh vực khác: phát triển đô thị (7,9%), y tế và bảo trợ xã hội (2,7%), nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên (3,7%), công nghiệp và thương mại (0,4%), thuận lợi hóa thương mại và vận tải (0,2%).

Dự kiến, ngày 15/3/2018 sẽ diễn ra họp báo quốc tế về các Hội nghị GMS 6 và tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý chủ trì.

Tin cùng chuyên mục