![]() |
Chính sách thuế đối ứng đặt ra không ít thách thức, song cũng là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên |
Tại Báo cáo Dự báo triển vọng kinh tế thế giới (WEO) công bố ngày 22/4, IMF dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 2,8% trong năm nay, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo tháng 1/2025. Trong năm tới, dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 3%, giảm 0,3 điểm phần trăm. IMF nhấn mạnh, các dự báo trên được đưa ra do bất ổn về chính sách gia tăng, gây căng thẳng thương mại khiến nguồn cầu yếu hơn.
Ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng tại IMF cho rằng, sự bất ổn trong chính sách thương mại và chính sách nói chung hiện nay là lực cản lớn đối với hoạt động toàn cầu. Do đó, để thúc đẩy tăng trưởng, nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là các nhà hoạch định chính sách tìm cách giảm bớt sự bất ổn về chính sách thương mại do các kế hoạch thuế quan của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gây ra.
Với Việt Nam, bất ổn trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ được đánh giá sẽ tác động bất lợi đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã có những giải pháp ứng phó hiệu quả và quyết liệt.
Tại Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá tác động từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam; xây dựng các chính sách hỗ trợ về tài khóa đối với doanh nghiệp, người lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 4/2025.
Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2025 của Chính phủ, trình Chính phủ trước ngày 25/4/2025; trong đó, điều chỉnh kịch bản tăng trưởng quý II và các quý còn lại của năm 2025, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên.
Bộ Tài chính cũng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tổng hợp, đề xuất phương án điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2025 đối với số vốn đến hết ngày 15/3/2025 chưa phân bổ chi tiết; thống kê danh sách các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh không hoàn thành chỉ tiêu giải ngân đầu tư công năm 2024, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4/2025.
Chủ trì, phối hợp chặt chẽ, quyết liệt với các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng cơ chế hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tập trung xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, giữ sạch môi trường; kịp thời nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án tại Việt Nam. Khẩn trương xây dựng “Cổng một cửa đầu tư quốc gia”, hoàn thành trong tháng 5/2025; “Cổng một cửa đầu tư cấp tỉnh” sau khi thành lập tỉnh mới.
Về xuất khẩu, Bộ Công Thương được giao đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khai thác hiệu quả 17 hiệp định thương mại tự do (FTA); khẩn trương, tích cực trao đổi, xây dựng kịch bản làm việc với các cơ quan của Hoa Kỳ để đàm phán thỏa thuận thương mại đối ứng, bảo đảm hài hòa, hợp lý, có lợi cho cả hai bên.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, đặc biệt là các động thái áp thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, đã và đang tạo ra những biến động, rủi ro và bất ổn chưa từng thấy đối với thương mại toàn cầu, trong đó có kinh tế Việt Nam, vốn tăng trưởng dựa trên xuất khẩu với độ mở cao.
Theo ông Việt, bên cạnh các đối sách đàm phán thuế quan, Việt Nam cần nhấn mạnh tầm quan trọng và luôn nhất quán với cam kết cải cách môi trường đầu tư và kinh doanh minh bạch, tự do và bình đẳng. Mặt khác, Việt Nam cần tranh thủ thêm các cơ hội mở rộng và đa phương hóa quan hệ thương mại - đầu tư với các vùng lãnh thổ khác, cũng như khai thác tối đa lợi ích từ các FTA đã ký kết, qua đó hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác, xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.
“Điểm nổi bật là Chính phủ đã nhanh chóng có bước chuẩn bị dư địa về chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn và triển khai các biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội đối với người lao động mất hoặc suy giảm việc làm, thu nhập khi cần thiết. Sự chủ động, tích cực, linh hoạt, là một đối tác có trách nhiệm, tăng cường liên kết quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại và bảo đảm ổn định vĩ mô, an sinh xã hội là những yếu tố then chốt để Việt nam đã và đang hóa giải các nguy cơ bị áp thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ ở mức cao. Đồng thời, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp và nền kinh tế. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan là yếu tố quyết định để Việt Nam có thể vượt qua những thách thức này và duy trì đà tăng trưởng bền vững trong năm 2025 và các năm tiếp theo”, ông Việt nhấn mạnh.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, dù chính sách thuế đối ứng đặt ra không ít thách thức, song cũng là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào một vài thị trường và nâng cao khả năng chống chịu trước các biến động từ bên ngoài. Đây cũng là giai đoạn cần sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp và là cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc chính mình, góp phần tạo nền tảng phát triển tốt nhất.
“Trong ngắn hạn, phải bình tĩnh, nhìn tổng thể, toàn diện để có ứng xử phù hợp nhưng quyết liệt. Về dài hạn, cần phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa những ưu đãi và cơ hội từ 17 FTA đã ký. Việt Nam là nước sở hữu số lượng FTA nhiều nhất và nhờ đó những năm qua, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng vượt bậc. Những doanh nghiệp đủ năng lực được khuyến khích tận dụng thị trường khó tính như Hoa Kỳ và EU, đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao và lô hàng lớn về xuất khẩu. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa có ít kinh nghiệm xuất khẩu, cần được cung cấp thông tin thị trường để hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, thị hiếu người dùng”, ông Thành nói.