Hợp tác công tư để phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là chủ trương được nhiều người ủng hộ. Ảnh: Lê Tiên |
DN Việt chật vật tìm chỗ đứng
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, các khảo sát gần đây cho thấy, chỉ có 23% số DN đánh giá mua hàng nội địa qua trung gian gặp thuận lợi. Cụ thể, những hạn chế trong lưu thông hàng hóa, đặc biệt là logicstics của chúng ta đang ở mức thấp so với khu vực, đã và đang làm cho việc lưu thông hàng hóa của DN gặp nhiều khó khăn, chi phí quá cao. Theo đó, chi phí cho Logicstics ở Việt Nam đang ở mức tương đương 25% GDP, trong khi ở Nhật Bản chỉ là 11%, ở Thái Lan là 19% và thậm chí ở Hoa Kỳ chỉ đến 7,7%. “DN đang bị kìm hãm rất nhiều ở phương diện đầu ra, lưu thông sản phẩm, tiếp cận các kênh phân phối”, bà Thoa nhấn mạnh.
Một kết quả điều tra độc lập vừa được công bố tại Hội thảo Tăng cường hợp tác công tư để kết nối hàng Việt với các kênh phân phối, diễn ra ngày 11/8 tại TP.HCM, do Bộ Công Thương tổ chức. Theo đó, có đến hơn 80% số DN được khảo sát cho thấy, mua hàng ngoại qua trung gian lại đang thuận lợi hơn nhiều so với mua hàng nội qua hệ thống trung gian. Đây là một lãng phí rất lớn đối với tiềm lực của các DN.
Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cung cấp thông tin, tỷ lệ DN nội địa gặp khó khăn trong phân phối hàng hóa so với hàng ngoại nhập đang tăng dần. Theo lý giải của Hiệp hội này, đến nay, hệ thống chính sách nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động phân phối hàng hóa phát triển vẫn chưa thực sự đồng bộ và chưa có tính cải cách, tạo động lực cho DN. “Thị trường bán lẻ vẫn chưa được xác định đúng vai trò trong các quy hoạch đô thị lớn. Do đó, DN vẫn đang tự bơi để tạo dựng mặt bằng quảng bá sản phẩm, chật vật đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng” - bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong quá trình mở rộng kênh phân phối, các DN đang gặp nhiều khó khăn, do chi phí lớn trong bối cảnh tiềm lực DN trong nước còn nhỏ và manh mún nên rất bí đầu ra.
Tối ưu hiệu quả, giảm chi ngân sách
Trong những năm qua, Bộ Công Thương cùng các Sở Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác công tư nhằm hỗ trợ cho các hiệp hội DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, khuyến công quốc gia, khoa học công nghệ,... Đặc biệt, Đề án Thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020 đã trở thành cầu nối để khu vực tư cùng với khu vực công tham gia vào mảng phân phối, tiếp thị sản phẩm. Theo đó, các chủ trương này sẽ giúp các DN tiếp cận được với chính sách hỗ trợ để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khai thác lợi thế cạnh tranh, khuyến khích đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng mạng lưới bán hàng, phát triển thị trường trong nước và nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh: “Trong bối cảnh Nhà nước đã có chủ trương, chính sách về hợp tác công tư, nhằm tăng cường huy động tiềm năng, thế mạnh của DN, Bộ Công Thương sẽ nỗ lực để đồng hành cùng DN nhằm góp phần mở rộng kênh phân phối, hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm, tối giản chi phí cho DN khi xâm nhập thị trường nội địa. DN tư nhân có nhiều thế mạnh về tiếp thị, xây dựng hình ảnh, sẽ có những đóng góp ý nghĩa cho cơ quan hoạch định chính sách để xây dựng kênh phân phối hiệu quả cho hàng Việt hơn”.
“Hợp tác công tư để phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là chủ trương lớn của ngành công thương trong thời gian tới. Theo đó, sự tham gia gắn kết giữa Nhà nước và khu vực tư nhân không chỉ chia sẻ lợi ích chung, mà còn giảm bớt những rủi ro trong quá trình triển khai nhiệm vụ, giảm bớt áp lực chi ngân sách, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ” - bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương khẳng định.