Ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn đã được quy hoạch 25 phân khu khu công nghiệp, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.424 ha. Ảnh: Nguyễn Hiếu |
Báo Đấu thầu đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Sĩ Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Thanh Hóa về các giải pháp thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư.
Ông Hoàng Sĩ Tuấn |
Xin ông cho biết tình hình thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng tâm của Thanh Hóa thời gian qua?
Năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư của Thanh Hóa tiếp tục được quan tâm và tập trung thực hiện. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, đã có 25 dự án, trong đó có 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 8.799 tỷ đồng và 42,8 triệu USD; 3 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn 43,4 triệu USD.
Một số dự án có số vốn đăng ký lớn như: Dự án Nhà máy Luyện cán thép DST Nghi Sơn tại Khu công nghiệp (KCN) số 4 (Nghi Sơn) với vốn đăng ký 5.500 tỷ đồng; Nhà máy Sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương tại Nghi Sơn có vốn đăng ký 1.098,5 tỷ đồng; Trang trại chăn nuôi lợn Điền Thượng (Bá Thước) có vốn đăng ký 322,1 tỷ đồng…
Để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển, trong thời gian tới, UBND Tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành cần triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án liên quan tới công tác xúc tiến đầu tư; thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể.
Trong đó, UBND Tỉnh yêu cầu các đơn vị cần thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào 3 trụ cột tăng trưởng; 4 trung tâm kinh tế động lực; 5 vùng liên huyện; 6 hành lang kinh tế. Đồng thời, tiếp tục công khai 87 dự án thuộc danh mục các dự án kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 để giới thiệu, vận động, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng…
Thanh Hoá sẽ tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường chỉ đạo giải phóng mặt bằng; giải quyết vướng mắc về quy hoạch tại các cụm công nghiệp; làm việc với các nhà đầu tư để giải quyết khó khăn cho các dự án tại Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn và một số dự án trọng điểm, tạo thuận lợi cho công tác triển khai dự án và tạo lực hút đầu tư, đưa Thanh Hoá trở thành điểm đến hấp dẫn, tin cậy của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Đâu là những lợi thế nổi bật khiến các nhà đầu tư quan tâm và lựa chọn đầu tư vào KKT, KCN tại Thanh Hóa, thưa ông?
Với vị trí đứng đầu khu vực miền Trung và thứ 8 cả nước trong thu hút đầu tư nước ngoài, Thanh Hóa đang có lợi thế trong thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Không chỉ tạo kỳ vọng gia tăng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, việc thu hút các dự án FDI cũng là cơ hội và tiềm năng lớn trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng KCN.
Hiện nay, KKT Nghi Sơn đã được quy hoạch 25 phân khu KCN, với tổng diện tích gần 9.058 ha. Trong đó có 23 KCN hiện hữu, 1 phân khu kho tàng và 1 phân khu dịch vụ hậu cần công nghiệp. Tuy nhiên, mới chỉ có 4 KCN được giao cho các chủ đầu tư thực hiện dự án hạ tầng, 19 KCN chưa có nhà đầu tư hạ tầng.
Ngoài ra, trên địa bàn Tỉnh có 8 KCN ngoài KKT Nghi Sơn, trong đó 5 KCN đã có nhà đầu tư hạ tầng. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đang tìm đến Thanh Hóa để khảo sát và tìm kiếm cơ hội xây dựng nhà máy.
Trong giai đoạn 2022 - 2025, Thanh Hóa dự kiến thu hút khoảng 30 tỷ USD tổng vốn FDI và vốn đầu tư trong nước (DDI). Trong đó, mục tiêu cụ thể sẽ tiếp cận, xúc tiến từ 3 đến 6 công ty sở hữu công nghệ gốc nằm trong Top 500 công ty xuyên quốc gia đầu tư vào Thanh Hóa. Đây sẽ là “nguồn” nhà đầu tư thứ cấp trong tương lai để tiến tới lấp đầy các KCN trên địa bàn.
Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng về không gian phát triển KKT, KCN, hoạch định phát triển các ngành quan trọng của Tỉnh. Theo đó, Thanh Hóa phấn đấu trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo với lọc hóa dầu và hóa chất là mũi nhọn; công nghiệp sản xuất, cung ứng điện với định hướng thu hút phát triển các nhà máy điện khí LNG, hình thành Trung tâm điện khí LNG tại KKT Nghi Sơn; công nghiệp cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại với việc khuyến khích đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, sản xuất thiết bị, phụ tùng máy công nghiệp, điện tử - viễn thông; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp dệt may, giày da... Việc hoạch định này cùng những giải pháp định hướng về thu hút đầu tư sẽ là mảnh đất tiềm năng trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng KCN nhằm đón đầu các dự án công nghiệp trong tương lai gần.
Thời gian tới, Trung tâm sẽ triển khai các hoạt động gì và tham mưu với UBND Tỉnh những giải pháp cụ thể nào để tăng cường thu hút đầu tư, hiện thực hóa mục tiêu trong Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045?
Trung tâm đang và sẽ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư vào Tỉnh. Trong đó, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư, phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển của Tỉnh. Tăng cường, chủ động tiếp cận nhà đầu tư chiến lược tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Kuwait, Đài Loan, Nga, Mỹ, châu Âu...; tiếp tục mở rộng, tìm kiếm các đối tác tiềm năng; tập trung thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư chiến lược, các thị trường đầu tư lớn, các quốc gia có tiềm năng về vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý.
Chủ động xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm theo định hướng đưa ra tại Quy hoạch. Đa dạng hóa các phương thức xúc tiến đầu tư, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ. Tiếp tục xu hướng chuyển từ “thu hút đầu tư bằng mọi giá” sang “thu hút có chọn lọc”; từ “thu hút thụ động” sang “thu hút chủ động” và từ “thu hút dựa trên hiệu quả tài chính và quy mô dự án” sang “thu hút dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường”. Tăng cường hợp tác đầu tư nước ngoài theo nguyên tắc “cùng thắng”, tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực từ bên ngoài để rút ngắn giai đoạn phát triển và khoảng cách về công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Ưu tiên xúc tiến đầu tư các dự án có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thân thiện với môi trường. Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác thẩm định năng lực nhà đầu tư; phân tích, đánh giá tác động và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, không chỉ tập trung vào lượng vốn đăng ký, mà còn vào hàm lượng khoa học công nghệ và giải pháp bảo vệ môi trường. Thực tế, nhiều dự án có lượng vốn đầu tư nhỏ, sử dụng tài nguyên, đất đai không nhiều nhưng mang lại hiệu quả, giá trị gia tăng cao, tác động tích cực, lâu dài tới sự phát triển của địa phương...