Hướng dẫn triển khai Nghị quyết 30 và Nghị định 07 gỡ vướng về trang thiết bị y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Y tế giao trách nhiệm cho các đơn vị liên quan của Bộ khẩn trương tổ chức thực hiện và ban hành các văn bản hướng dẫn để thống nhất thực hiện trong toàn ngành theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị quyết số 30/NQ-CP (Nghị quyết 30) và Nghị định 07/2023/NĐ-CP (Nghị định 07) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế.

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại Hội nghị Hướng dẫn triển khai Nghị định 07 và Nghị quyết 30 tới các sở y tế, bệnh viện, cơ sở y tế (CSYT) và doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế (TTBYT) diễn ra sáng 10/3, với 1.300 điểm cầu trực tuyến trên cả nước.

Tại Nghị quyết 30, Chính phủ nêu rõ, trong quý II/2023, Bộ Y tế phải ban hành hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu TTBYT; đồng thời, hoàn tất việc rà soát, đánh giá cụ thể việc tiếp nhận máy móc, TTBYT đã qua sử dụng do tổ chức, cá nhân tặng, cho, đóng góp, tài trợ, viện trợ cho các CSYT sử dụng phục vụ khám, chữa bệnh (KCB); trên cơ sở đó, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan có liên quan đề xuất giải pháp cụ thể báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tiếp đó, vào quý III/2023 phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, cấp địa phương bảo đảm phù hợp với năng lực tổ chức đấu thầu của từng cấp và khả năng cung ứng của DN để cung ứng đủ, kịp thời thuốc cho hoạt động KCB; nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung; xây dựng, ban hành hướng dẫn mẫu hồ sơ mời thầu đối với gói thầu dược liệu, vị thuốc cổ truyền để đấu thầu qua mạng.

Còn tại Nghị định 07, Chính phủ cũng giao Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra việc thi hành nghị định này.

“Những khó khăn này không thể giải quyết ngay mà phải giải quyết từng bước. Mục đích cuối cùng và xuyên suốt là không được để thiếu thuốc, vật tư, TTBYT. Dù khó khăn thế nào cũng phải khắc phục bằng được”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh tại Hội nghị.

“Những khó khăn này không thể giải quyết ngay mà phải giải quyết từng bước. Mục đích cuối cùng và xuyên suốt là không được để thiếu thuốc, vật tư, TTBYT. Dù khó khăn thế nào cũng phải khắc phục bằng được”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh tại Hội nghị.

5 thay đổi lớn tại Nghị quyết 30

Giới thiệu về điểm mới của các văn bản quan trọng này tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Nghị quyết 30 có 5 nội dung thay đổi lớn, bước đầu tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu, thanh quyết toán bảo hiểm y tế (BHYT) để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, TTBYT, vật tư y tế (VTYT) của các cơ sở y tế.

Một là cho phép tiếp tục thanh toán chi phí KCB BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy đặt, máy mượn của nhà thầu trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 5/11/2022 thực hiện theo thời hạn hợp đồng.

Hai là nhà thầu trúng thầu VTYT, hóa chất cung cấp TTBYT theo yêu cầu của chủ đầu tư và các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng TTBYT này được Quỹ BHYT thanh toán.

Ba là hướng dẫn thực hiện thí điểm xây dựng giá gói thầu trong năm 2023. Cụ thể, CSYT có thể gửi thông báo mời chào giá với yêu cầu kỹ thuật lên Cổng thông tin của Bộ Y tế hoặc Cổng dịch vụ công trực tuyến về TTBYT trong thời gian tối thiểu 10 ngày và báo giá nhận được là căn cứ để xây dựng giá gói thầu. Trường hợp chỉ có 1 hoặc 2 nhà phân phối hoặc DN cung cấp báo giá, được phép sử dụng các báo giá đã nhận để làm căn cứ giá gói thầu. CSYT được phép lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối trong trường hợp chỉ có một nhà phân phối. Giá trúng thầu TTBYT tương tự trong thời gian trước đó gần nhất tối đa không quá 120 ngày (trước đây phải có 3 báo giá, với thời gian tối đa là không quá 90 ngày).

Bốn là, TTBYT, VTYT cùng chủng loại có nhiều nhà phân phối, thay vì đấu thầu theo giá thấp nhất như trước, thì nay, CSYT giao Hội đồng Khoa học xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn.

Năm là, Nghị quyết 30 cho phép CSYT được sử dụng TTBYT là máy tặng, viện trợ, tài trợ (bao gồm cả TTBYT liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để phục vụ hoạt động KCB và được Quỹ BHYT thanh toán.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Sửa đổi, bổ sung 4 nội dung của Nghị định 98

Cùng với Nghị quyết 30, theo Bộ Y tế, Nghị định 07 ra đời sẽ giải quyết cấp bách những vấn đề tồn tại, hạn chế, bất cập trong việc thực hiện mua sắm TTBYT thời gian vừa qua; kịp thời đáp ứng nguồn cung, giải quyết ách tắc do tồn đọng TTBYT nhập khẩu tại các cửa khẩu. Đồng thời, từng bước hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về TTBYT, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực TTBYT.

“Đây là căn cứ để các DN kinh doanh, sản xuất, cung ứng TTBYT và các nhà quản lý các cấp, lãnh đạo các bệnh viện, CSYT xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ nhằm góp phần cung cấp cho ngành y tế các TTBYT có chất lượng, đúng giá trị và sử dụng hiệu quả nhằm phục vụ công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Liên quan đến việc quản lý TTBYT, từ năm 2022, Chính phủ đã cho phép cấp số đăng ký lưu hành (SĐKLH) TTBYT có giá trị không thời hạn gắn với trách nhiệm của DN về thông tin TTBYT; trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong tổ chức thanh tra, kiểm tra. Đến năm 2025, toàn bộ các TTBYT lưu hành trên thị trường theo hình thức thương mại sẽ được thống nhất quản lý cấp SĐKLH TTBYT có giá trị không thời hạn và không còn hình thức cấp giấy phép nhập khẩu (GPNK) theo hình thức thương mại như hiện nay.

Thứ nhất, để giải quyết tình trạng thiếu TTBYT do GPNK TTBYT và SĐKLH TTBYT là sinh phẩm chẩn đoán in vitro hết hạn, trong khi tiến độ cấp mới SĐKLH TTBYT chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội, Nghị định 07 cho phép gia hạn hiệu lực GPNK, SĐKLH TTBYT theo hướng: GPNK TTBYT đã được cấp từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024; SĐKLH đối với TTBYT là sinh phẩm chẩn đoán in vitro đã được cấp từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2019 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Các tổ chức đã được cấp GPNK, SĐKLH TTBYT phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng, số lượng, chủng loại, mục đích sử dụng của TTBYT. Bộ Y tế sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra và thu hồi GPNK, SĐKLH TTBYT đối với các trường hợp vi phạm quy định về quản lý TTBYT.

Thứ hai, trong thời gian từ nay đến 31/12/2024, Bộ Y tế tập trung triển khai thực hiện việc cấp SĐKLH TBYT có giá trị không thời hạn để thay thế hoàn toàn cho GPNK.

Thứ ba, để khắc phục những vướng mắc tại Nghị định 98 trong việc áp dụng quy định kê khai giá trong đấu thầu, Nghị định 07 bãi bỏ quy định: “Không được mua bán TTBYT khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán”.

Đồng thời, DN chỉ thực hiện kê khai giá đối với TTBYT khi có biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến nguồn cung cấp TTBYT, khả năng chi trả của người mua, khả năng thanh toán của Quỹ BHYT. Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, cập nhật, sửa đổi, bổ sung danh mục và nội dung thông tin TTBYT phải kê khai giá…

Thứ tư, đối với vấn đề xuất nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất TTBYT, Nghị định 07 quy định, việc nhập khẩu TTBYT đã qua sử dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương; Bộ Y tế không cấp GPNK TTBYT đã qua sử dụng.