Hụt thu lớn, DN dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì lao đao

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đồng cảnh với hàng loạt dự án BOT giao thông có nguy cơ vỡ phương án tài chính, Dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì đang hụt thu rất lớn. Doanh nghiệp dự án ngập trong khó khăn, khẩn thiết mong được cứu nguy.
Dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì hoàn thành tháng 10/2018 với tổng chi phí đầu tư 1.088 tỷ đồng. Ảnh: Nguyệt Minh
Dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì hoàn thành tháng 10/2018 với tổng chi phí đầu tư 1.088 tỷ đồng. Ảnh: Nguyệt Minh

Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C (sau đây gọi là Trạm thu phí cầu Văn Lang) được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư theo Quyết định 1237/QĐ-BGTVT ngày 9/4/2015 là 1.462 tỷ đồng, chiều dài công trình 9,46 km, trong đó đường dẫn phía Hà Nội dài khoảng 7,54 km, cầu dài 1,56 km, bờ Phú Thọ dài khoảng 0,36 km. Nhà đầu tư Dự án là Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ và doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH BOT Phú Hà.

Cầu được thi công từ tháng 8/2016 và hoàn thành tháng 10/2018, bắt đầu thu tiền sử dụng dịch vụ để hoàn vốn cho Dự án từ ngày 4/1/2019.

Theo ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH BOT Phú Hà, trong quá trình đầu tư xây dựng, nhằm đảm bảo hiệu quả của Dự án, Công ty TNHH BOT Phú Hà và Nhà đầu tư đã thực hiện nhiều giải pháp thiết kế, biện pháp tổ chức thi công nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư, đồng thời đảm bảo về đích đúng tiến độ, đạt chất lượng. Dự án đã tiết giảm được chi phí đầu tư từ 1.462 tỷ đồng xuống 1.088 tỷ đồng theo giá trị quyết toán, giảm 375 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cho biết, từ khi đi vào thu phí, doanh thu thu phí của Trạm thu phí cầu Văn Lang chỉ đạt 42% so với phương án tài chính tại Hợp đồng BOT, nguyên nhân chủ yếu do có nhiều tuyến đường phân lưu. Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, doanh thu thu phí tiếp tục giảm và chỉ đạt 32% so với Hợp đồng BOT. Sau 26 tháng vận hành thu phí, Công ty TNHH BOT Phú Hà cùng Nhà đầu tư đã nỗ lực huy động mọi nguồn lực để thanh toán 100% tiền gốc và lãi vay ngân hàng nhằm duy trì hoạt động của Trạm. Đến nay, theo phương án tài chính Dự án, Công ty TNHH BOT Phú Hà không còn khả năng trả nợ ngân hàng. “Ngoài việc Doanh nghiệp dự án có nguy cơ bị phá sản, còn gây hệ lụy, khó khăn cho Nhà đầu tư và các ngân hàng tài trợ vốn”, ông Nghĩa lo ngại.

Lãnh đạo Công ty TNHH BOT Phú Hà chia sẻ, Công ty đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho Dự án cầu Văn Lang, làm Đơn kêu cứu số 50/2020/CV-PHUHA gửi tới Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Minh Nghĩa cho biết, khó khăn của Dự án đến nay vẫn chưa được tháo gỡ. Theo Hợp đồng, mức thu phí tăng theo lộ trình 3 năm một lần, tuy nhiên, đến nay đã 3 năm nhưng vẫn chưa được điều chỉnh tăng. Doanh nghiệp dự án rất mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm, chia sẻ khó khăn với Doanh nghiệp vì thời gian vận hành Dự án còn dài. Nếu không được san sẻ, chắc chắn Doanh nghiệp dự án sẽ khó trụ vững.

Công ty TNHH BOT Phú Hà hy vọng được áp dụng Khoản 2, Điều 83 Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đồng thời, Công ty kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền đưa Dự án vào đề xuất danh mục, cơ chế đầu tư trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện mua lại quyền thu phí của Dự án nhằm đảm bảo phương án hoàn vốn cho Dự án và đáp ứng khả năng trả nợ cho các ngân hàng (như đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về bố trí vốn cho 7 dự án BOT không thu phí hoàn vốn được). Nếu không thể mua lại hoàn toàn như phương án này, Doanh nghiệp dự án rất mong muốn được Nhà nước hỗ trợ chi trả số tiền giải phóng mặt bằng và phần đường dẫn bờ Hà Nội với số tiền khoảng 370 tỷ đồng, do Nhà đầu tư không thu tiền sử dụng dịch vụ toàn bộ tuyến đường dẫn, chỉ những phương tiện qua cầu Văn Lang mới tiến hành thu phí.

Không chỉ Doanh nghiệp dự án cầu Việt Trì - Ba Vì, hiện có rất nhiều dự án BOT ký hợp đồng trước ngày Luật PPP có hiệu lực, đã đi vào thu phí, thời gian vận hành còn rất dài, có nguy cơ hụt thu lớn đang mong muốn được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.

Theo một chuyên gia, những dự án thuộc diện này không đủ điều kiện chuyển tiếp theo Luật PPP, cơ chế chia sẻ phần giảm thu phải được xác định tại quyết định chủ trương đầu tư. Với các dự án này, cần xử lý vấn đề phát sinh theo hợp đồng đã ký. Với những vấn đề vượt thẩm quyền của cơ quan ký kết hợp đồng, cần báo cáo Chính phủ để có biện pháp xử lý.

Tin cùng chuyên mục