Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện KHPT kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2021 - 2025, nước ta cơ bản đã vững vàng vượt qua KK, quy mô và tiềm lực của nền KT không ngừng được mở rộng. Tuy nhiên, TTKT vẫn gặp nhiều thách thức, áp lực hoàn thành MTTT bình quân 5 năm (6,5 - 7%) rất lớn. Do đó, một trong những quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian tới là tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định KT vĩ mô, KS lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền KT.
Đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6,5 - 7% là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Ảnh: Tuấn Anh
Đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6,5 - 7% là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Ảnh: Tuấn Anh

Từng bước phục hồi

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 23/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong nửa nhiệm kỳ, tăng trưởng kinh tế nước ta từng bước phục hồi. Tốc độ tăng GDP năm 2021 đạt 2,56%, được thế giới đánh giá là tích cực trong khi nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm; năm 2022 tăng 8,02%; năm 2023 ước đạt khoảng trên 5%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Nông nghiệp phát triển ổn định, là bệ đỡ trong khó khăn; dịch vụ, du lịch phát triển khá sôi động, phục hồi nhanh sau dịch Covid-19. Năm 2023, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm lại trong những tháng đầu năm nhưng đã chuyển biến tích cực hơn.

Năm 2023, nhiều động lực tăng trưởng chính chậm lại, đối mặt với nhiều khó khăn; kim ngạch xuất khẩu ước giảm 3,5%, nhập khẩu giảm 4,2%; nợ xấu có xu hướng tăng; chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro.

Trong thời gian tới, Chính phủ xác định quan điểm điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn; giải quyết hiệu quả các vấn đề ngắn hạn và dài hạn, vừa đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; vừa tập trung xử lý các nhiệm vụ thường xuyên, quyết liệt chỉ đạo, xử lý từng bước dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ trong trung và dài hạn.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, giải pháp chính là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững; đẩy mạnh hợp tác công tư; chủ động xây dựng báo cáo cấp có thẩm quyền về việc ban hành cơ chế đặc thù để thực hiện các công trình trọng điểm trong trường hợp cần thiết. Phát huy tối đa nội lực, khai thác hiệu quả ngoại lực để thích ứng và phát triển, trong đó nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn về thể chế theo hướng cấp nào ban hành cấp đó tháo gỡ; báo cáo cấp trên trực tiếp vấn đề vượt thẩm quyền. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; tổng kết, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo, theo dõi.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2024 - 2025 có thể phục hồi tốt hơn so với năm 2023. Ảnh: Lê Tiên

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2024 - 2025 có thể phục hồi tốt hơn so với năm 2023. Ảnh: Lê Tiên

Cần có kịch bản ứng phó phù hợp

Trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, sau nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam cơ bản vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá rõ hơn một số vấn đề. Trong đó có đề nghị đánh giá về việc cơ cấu kinh tế chưa có nhiều thay đổi; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, năng suất lao động bình quân 3 năm 2021 - 2023 tăng 4,36 - 4,69%, thấp hơn mức 6,26% của 3 năm 2016 - 2018. Bên cạnh đó, chất lượng thu ngân sách nhà nước còn yếu tố chưa bền vững (vượt thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất, dầu thô), hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn cả về pháp lý, vốn, chi phí đầu vào; việc thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại còn chậm, nhất là giải quyết những điểm nghẽn trong phát triển hạ tầng tại các đô thị lớn.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm 2021 - 2025, với tác động mang tính độ trễ của các giải pháp từ chính sách hỗ trợ nền kinh tế được triển khai liên tục từ đầu năm 2022, Ủy ban Kinh tế cho rằng tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2024 - 2025 có thể phục hồi tốt hơn so với năm 2023.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6,5 - 7% theo Nghị quyết của Quốc hội là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, không thể lường trước. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu sẽ rất khó hoàn thành nếu không có giải pháp đột phá như: GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân; tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế...

Trong các năm còn lại của nhiệm kỳ 2021 - 2025, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến các thị trường quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp. Tập trung đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, bao gồm tháo gỡ rào cản, chú trọng khâu thực thi và phối hợp chính sách; tổ chức triển khai nhanh, hiệu quả các luật, nghị quyết, cơ chế, chính sách sau khi được ban hành.

Thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế theo các nhiệm vụ trọng tâm đề ra tại Nghị quyết số 31, trong đó quyết liệt hoàn thành dứt điểm cơ cấu lại 4 lĩnh vực trọng tâm gồm đầu tư công, ngân sách nhà nước, các tổ chức tín dụng và các đơn vị sự nghiệp công lập. Nghiên cứu, đánh giá kết quả và đề xuất ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục