Kêu gọi đầu tư 10 trung tâm logistics: Đà Nẵng cần thêm chính sách mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đà Nẵng vừa ban hành Đề án Phát triển dịch vụ logistics kết nối hiệu quả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 với việc kêu gọi đầu tư 10 trung tâm logistics. Lộ trình đã được vạch sẵn, nhưng một số chuyên gia cho rằng, để dịch vụ logistics phát triển, Đà Nẵng cần chính sách phát triển đồng bộ nhiều yếu tố khác.
Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), điểm cuối xuất nhập hàng hoá theo tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Ảnh: Minh Hạnh
Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), điểm cuối xuất nhập hàng hoá theo tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Ảnh: Minh Hạnh

Phát triển logistics tại Đà Nẵng và xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm logistics của khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên đã được Thành phố quan tâm và xúc tiến đầu tư từ gần 10 năm trước và đã có một số doanh nghiệp lớn quan tâm như Sumitomo (Nhật Bản), BRG (Việt Nam) hay Adani (Ấn Độ)… Tuy nhiên, so với mặt bằng chung cả nước, logistics của Đà Nẵng mới ở mức trung bình khá. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2021, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 7 - 9%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP từ 6 - 9%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 25 - 30%.

Với kế hoạch thu hút đầu tư 10 trung tâm logistics theo từng giai đoạn từ năm 2023 - 2030, Thành phố kỳ vọng tăng tỷ trọng đóng góp của ngành này vào GRDP khoảng 11 - 12%, tỷ lệ thuê ngoài đạt 40 - 45%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 13% GRDP; các trung tâm logistics tại TP. Đà Nẵng đáp ứng khoảng 55% nhu cầu dịch vụ logistics cho hàng hóa qua cảng biển, 20% hàng hóa qua đường sắt và đường hàng không.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, lộ trình thu hút đầu tư xây dựng 10 trung tâm logistics đã được Đà Nẵng chuẩn bị từ trước với việc đầu tư hoàn thành Dự án Mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2, nâng năng lực bốc dỡ lên 10 - 12 triệu tấn/năm; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Trung tâm logistics tại xã Hòa Nhơn; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Xây dựng nhà ga hàng hóa - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng... Bên cạnh đó, phối hợp đẩy nhanh tiến độ lập, triển khai Dự án Tuyến cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đầu tư cảng Liên Chiểu giai đoạn 1; xây dựng mới tuyến đường bộ kết nối cảng Liên Chiểu với Quốc lộ 1A phía Nam hầm Hải Vân; tiếp tục xúc tiến Dự án Hành lang kinh tế Đông - Tây 2, Quốc lộ 14G; di dời ga đường sắt Đà Nẵng.

Ông Bùi Hồng Trung - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng:

Chính sách về phát triển hạ tầng logistics của Thành phố dù được quan tâm nhưng tổ chức thực hiện đầu tư còn chậm, chưa thể hiện được vai trò trung tâm khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nguồn lực từ doanh nghiệp đầu tư cho cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ hoạt động logistics có tăng, nhưng mức độ đầu tư thấp. Quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư có quy mô lớn còn thiếu và chưa bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện đấu giá chuyển quyền sử dụng để làm cơ sở để thu hút đầu tư.

Trong đó, cảng Liên Chiểu được xác định là cảng cửa ngõ của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics vào các nước ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương. Dù mang nhiều kỳ vọng, nhưng theo nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, TS. Trần Đình Thiên, cảng Liên Chiểu mới chỉ đóng vai trò “xương sống”, trong khi phát triển logistics cần rất nhiều yếu tố khác như vận tải, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại và đầu tư… Theo đó, Đà Nẵng cần có chính sách phát triển đồng bộ các yếu tố này.

“Với gần 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động, nhu cầu dịch vụ logistics chuyên nghiệp và có tính tích hợp cao tại Đà Nẵng được dự báo sẽ gia tăng cùng xu hướng phát triển của các ngành công nghiệp, trong đó có các tổ hợp công nghiệp hiện đại, khu công nghiệp và khu công nghệ thông tin. Để các doanh nghiệp logistics lớn mạnh, Đà Nẵng cần có cơ chế chính sách để huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới”, TS. Trần Đình Thiên khuyến nghị.

Đồng quan điểm trên, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho rằng, Thành phố cần tiếp tục tập trung hoàn thiện chính sách, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội, năng lực của doanh nghiệp, điều chỉnh giảm mức phí, lệ phí hàng hải để thu hút tàu có trọng tải lớn vào cảng biển Đà Nẵng; sớm hình thành Hành lang kinh tế Đông - Tây 2, góp phần tăng thêm nguồn hàng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực và một số địa phương nằm ngoài biên giới quốc gia.

Tin cùng chuyên mục