Khắc phục tình trạng chậm cập nhật đơn giá vật liệu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ cuối năm 2020 đến nay, giá vật liệu xây dựng (VLXD) cơ bản biến động không ngừng. Nhiều nhà thầu đã phải kêu cứu vì giá các vật liệu như thép, cát, đất… tăng phi mã. Trong khi đó, đơn giá Nhà nước công bố tại các địa phương lại lạc hậu, chậm được cập nhật.
Giá vật liệu xây dựng tăng phi mã khiến nhiều nhà thầu lao đao. Ảnh: Nhã Chi
Giá vật liệu xây dựng tăng phi mã khiến nhiều nhà thầu lao đao. Ảnh: Nhã Chi

Giá công bố không phản ánh đúng thị trường

Theo quy định, việc công bố giá VLXD do các sở xây dựng, hoặc liên sở xây dựng - tài chính các địa phương công khai trên cổng thông tin điện tử của các sở xây dựng. Tuy nhiên, việc công bố giá VLXD được thực hiện theo quý, thường là quý II công bố giá của quý I, thậm chí trễ hơn. Quy định này rất bất cập, không phản ánh đúng diễn biến thị trường, càng không có giá trị tham chiếu trong tình trạng “mỗi ngày một giá” đối với thép xây dựng, cát như thời gian qua.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, tại Sở Xây dựng TP.HCM, ngày 27/4/2021, sở này có Thông báo số 4433/TB-SXD-VLXD về việc công bố giá VLXD trên địa bàn quý I/2021. Việc công bố giá vật liệu sau 1 quý tại TP.HCM luôn không theo kịp thị trường, chưa kể các doanh nghiệp công bố giá cung cấp dữ liệu cũ. Cụ thể, theo công bố ngày 27/4/2021 của Sở Xây dựng TP.HCM, với nhóm vật liệu cát, Công ty CP Tân Cang gửi thông báo từ ngày 15/8/2020; Công ty TNHH Lê Đặng gửi thông báo ngày 15/10/2020; cá biệt, Công ty CP Đồng Tân gửi thông báo của ngày 17/11/2018; Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 610 cập nhật thông tin từ ngày 25/9/2020. Độ trễ từ thời điểm doanh nghiệp báo giá VLXD đến lúc Sở Xây dựng cập nhật, công bố giá lên tới 3 quý.

Liên quan đến thép xây dựng - loại vật liệu tăng giá nóng nhất hiện nay, tình hình cũng không khả quan hơn. Báo giá của Công ty TNHH Thép Miền Nam VN Steel gửi từ ngày 31/12/2020; Công ty Thép SeAH Việt Nam cập nhật từ ngày 1/3/2021; Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Thép Việt thì cập nhật từ 28/12/2020…

Tình trạng này phổ biến ở nhiều tỉnh, thành, khiến công tác xây dựng dự toán, lập đơn giá của chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, đồng thời đẩy nhà thầu vào vô vàn rủi ro khi giá vật liệu bùng phát tăng.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu cho rằng, việc các sở xây dựng vừa cập nhật đơn giá VLXD chậm, vừa lấy nguồn từ các doanh nghiệp cung cấp vật liệu không kịp thời dẫn tới bất cập rất lớn.

Cập nhật giá theo tháng hoặc sớm hơn

Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành liên quan, các địa phương phối hợp thực hiện một số giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động giá VLXD đến hoạt động xây dựng.

Một trong những nội dung quan trọng nhất là Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương công bố giá thép theo tháng, thậm chí sớm hơn để đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn. Đây có thể xem như động thái cần thiết từ cơ quan quản lý nhà nước về VLXD nhằm tháo gỡ phần nào khó khăn cho các nhà thầu xây lắp.

Hiện nay, theo Bộ Xây dựng, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định, UBND cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho sở xây dựng công bố giá các loại VLXD trên địa bàn theo định kỳ hàng quý hoặc sớm hơn khi cần thiết. Tuy nhiên, các địa phương thực hiện việc công bố giá thường chậm, không bám sát diễn biến thị trường.

Trước thực trạng giá VLXD, đặc biệt là giá thép tăng quá nhanh, ảnh hưởng nặng nề đến các nhà đầu tư, gây khó khăn cho công tác quản lý chi phí xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan cập nhật, điều chỉnh giá kịp thời. Đối với các loại vật liệu như thép, trong trường hợp có biến động giá lớn phải công bố giá hàng tháng hoặc sớm hơn, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn.

Yêu cầu cập nhật giá VLXD theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng được các nhà thầu kỳ vọng là một trong những giải pháp căn cơ góp phần ổn định giá vật liệu, gỡ khó cho khâu lập dự toán, xây dựng hợp đồng xây dựng.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các địa phương đánh giá tác động của dịch Covid-19 và biến động giá một số VLXD chủ yếu, nhất là giá thép đến tình hình thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công, các dự án PPP. Bên cạnh đó, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng, Hội Kinh tế xây dựng cần cung cấp thông tin, kiến nghị của các nhà thầu xây dựng cùng các giải pháp tháo gỡ để Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo Chính phủ tìm giải pháp tháo gỡ.

Theo đó, các bộ, ngành và địa phương tập trung đánh giá số lượng dự án, hợp đồng xây dựng bị ảnh hưởng (phân định theo từng hình thức đầu tư, giá trị hợp đồng) và giá trị bị ảnh hưởng của từng dự án, từng hợp đồng xây dựng.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục