Khai thác lợi thế của xuất nhập khẩu trực tuyến

(BĐT) - Tại Hội thảo Xuất nhập khẩu trực tuyến 2017 vừa diễn ra, các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) nhận định, tiềm năng ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam là rất lớn. 
Thực hiện giao dịch thương mại điện tử sẽ mang lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ảnh: Mai Quân
Thực hiện giao dịch thương mại điện tử sẽ mang lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ảnh: Mai Quân

Nếu loại được những “điểm trừ” hiện có từ hoạt động này, chắc chắn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ khởi sắc hơn.

Nhiều cơ hội từ kênh kinh doanh mới

Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công Thương, năm 2016, lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam vượt ngưỡng 50% dân số. Đây là con số cực kỳ quan trọng đối với mọi ngành nghề kinh doanh có gắn với hoạt động trực tuyến, trong đó có việc sử dụng các công cụ TMĐT để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu. Theo ông Minh, hiện nhiều DN xuất khẩu Việt Nam đã chú trọng ứng dụng TMĐT và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Liên quan đến vấn đề này, Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử năm 2017 cho hay, hiện nhiều DN Việt Nam đã ứng dụng TMĐT nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu. Bên cạnh việc tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến như: hải quan điện tử, chứng nhận xuất xứ điện tử và nhiều dịch vụ công liên quan khác thì các DN cũng tăng cường sử dụng Internet để trao đổi thông tin kinh doanh, tìm kiếm thị trường, giao kết và triển khai hợp đồng. Số lượng người tiêu dùng trong nước trực tiếp mua sản phẩm từ các nhà bán lẻ nước ngoài cũng tăng lên nhanh chóng.

Ông Nguyễn Văn Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghệ Thái Sơn cho rằng, thực hiện giao dịch TMĐT sẽ mang lại hiệu quả lớn cho DN xuất nhập khẩu. Theo đó, DN tiết kiệm thời gian từ 15 - 30%, thậm chí lên tới 90%; tiết kiệm về nhân lực; giảm sai sót; minh bạch về thủ tục và tăng khả năng số hóa của DN.

Tán thành ý kiến trên, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin Việt Nam cũng nêu một thực tế, hiện nhiều DN vẫn phải chịu những khoản chi phí không chính thức. Vì vậy, việc triển khai phương thức xuất nhập khẩu trực tuyến là cơ hội lớn để giảm chi phí, thời gian cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này.

Để khai thác hiệu quả

Đề cập về thủ tục hải quan, theo ông Nguyễn Văn Khiêm, DN phải thực hiện 168 thủ tục hành chính liên quan. Trong đó, có 38 thủ tục thực hiện tại Tổng cục Hải quan; 24 thủ tục ở cấp cục hải quan; 106 thủ tục ở cấp chi cục hải quan. Ngoài ra, DN còn phải thực hiện nhiều thủ tục liên quan đến các bộ, ngành khác khi xuất nhập khẩu như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Khoa học và Công nghệ…

Trong quá trình thực hiện, DN vẫn còn một số điểm vướng như: còn nhiều thủ tục mới cung cấp ở mức độ thấp, DN chỉ được hướng dẫn và cung cấp biểu mẫu qua mạng, các bước nộp hồ sơ vẫn thực hiện bằng giấy. Liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu, DN phải thực hiện trên các hệ thống khác nhau: hệ thống VNACCS, hệ thống một cửa NSW và trên hệ thống dịch vụ công qua website của hải quan.

Về chất lượng dịch vụ công trực tuyến, ông Nguyễn Thanh Hưng nhận xét, chất lượng dịch vụ công với hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay chỉ ở mức 6 trên thang điểm 10, bởi vẫn còn một số điểm trừ. Đơn cử, lĩnh vực hải quan dù đã tham gia sâu vào dịch vụ công trực tuyến, song vẫn yêu cầu các chứng từ phải được in ra đóng dấu (dù đã có chữ ký điện tử); với 1 lô hàng kiểm tra chuyên ngành, DN vẫn phải đi qua nhiều “cửa” khác nhau; thiếu sự liên thông giữa các cơ quan… Về vấn đề này, một số DN xuất khẩu phản ánh, nhiều khi thực hiện qua điện tử nhưng DN vẫn thấy rất nhiêu khê, mất nhiều thời gian do mắc phải những lỗi lặp đi lặp lại vì không được hướng dẫn trực tiếp.

Không phản đối những nhận xét của phía DN, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết, thực tế DN nêu là sức ép cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng từ dịch vụ công trực tuyến, ông Khiêm kiến nghị: Cơ quan có thẩm quyền thực hiện dịch vụ công trực tuyến cần nâng cấp dịch vụ lên mức độ 4 để phát huy hiệu quả tối đa cho DN. Cải tiến hệ thống công nghệ thông tin để thống nhất một hệ thống giúp DN thuận tiện hơn khi thực hiện các thủ tục của dịch vụ công. Triển khai nhanh hệ thống một cửa ASEAN nhằm tăng khả năng cạnh tranh của DN trong khu vực.