Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: VGP |
Sau 21 ngày làm việc với tinh thần dân chủ, nghiêm túc và trách nhiệm, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình làm việc và bế mạc vào trưa 15/6.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017 và tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2018. Những kết quả đạt được trong thời gian qua sẽ tạo đà để hoàn thành kế hoạch năm 2018 - năm bản lề trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, trong đó, yêu cầu Chính phủ tăng cường chỉ đạo, có giải pháp tích cực để khắc phục những hạn chế, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý vốn đầu tư, nợ công và bội chi ngân sách, bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia.
Trên cơ sở thảo luận, xem xét toàn diện, kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 7 luật để tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh; cho ý kiến về 9 dự án luật khác, làm cơ sở để các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.
Các dự án luật được xem xét, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp đã được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận thẳng thắn, có trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, thể hiện chính kiến rõ ràng và quyết định thông qua với tỷ lệ tán thành cao. Đối với dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của dự án Luật này.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành chất vấn 4 nhóm vấn đề đối với Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo. Các Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, trưởng ngành khác đã tham gia báo cáo, giải trình rõ thêm những vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ báo cáo về một số vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu. Các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn sát thực tế, là những vấn đề kinh tế - xã hội được cử tri và các đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, đúng trọng tâm, tích cực tranh luận; thành viên Chính phủ nắm chắc tình hình, trả lời thẳng thắn, rõ vấn đề, đưa ra các giải pháp thiết thực để khắc phục những hạn chế, bất cập. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để Quốc hội giám sát và Chính phủ, các Bộ, ngành tổ chức thực hiện.
Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác chuẩn bị cho kỳ họp.
Quốc hội tiếp tục có những đổi mới; chương trình làm việc được bố trí hợp lý; công tác điều hành theo đúng Quy chế và chương trình kỳ họp, có sự điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu thực tế và đúng nguyên tắc; cách thức chất vấn và trả lời chất vấn được đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, được cử tri và dư luận xã hội đánh giá cao.
Kết quả kỳ họp cũng cho thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, được cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, xây dựng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội biểu dương tinh thần yêu nước và sự quan tâm sâu sắc của nhân dân đến các vấn đề quan trọng của đất nước.
Quốc hội nghiêm khắc lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, kích động, quá khích, gây mất trật tự an ninh xã hội, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo nắm chắc tình hình ở cơ sở, tăng cường công tác vận động quần chúng để không bị lôi kéo, lợi dụng, dẫn đến có hành vi vi phạm pháp luật; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Sau kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu Quốc hội tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị kịp thời với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, tích cực chủ động hơn nữa trong công tác lập pháp, giám sát.