Khánh thành hầm đường bộ Hải Vân 2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 11/1/2021, tại khu vực cửa hầm phía Nam thuộc địa phận quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả thuộc Tập đoàn Đèo Cả (Nhà đầu tư) phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải, các địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng tổ chức khánh thành hầm Hải Vân 2.
Bộ GTVT phối hợp cùng Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, UBDN TP.Đà Nẵng tổ chức khánh thành hầm đường bộ Hải Vân 2 thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Ảnh: Cao Dung
Bộ GTVT phối hợp cùng Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, UBDN TP.Đà Nẵng tổ chức khánh thành hầm đường bộ Hải Vân 2 thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Ảnh: Cao Dung

Hạng mục hầm Hải Vân 2 thuộc Dự án hầm đường bộ Đèo Cả, với chiều dài 6.2 km (chiều dài tuyến 12,4 km bao gồm cả đường dẫn) là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á. Hầm Hải Vân 2 được Tập đoàn Đèo Cả đề xuất đầu tư, triển khai sau khi thực hiện các công trình hầm Đèo Cổ Mã, Đèo Cả, Đèo Cù Mông. Đây là một công trình kỷ lục, khẳng định năng lực của Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện một dự án mang tầm cỡ quốc tế.

Theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả, Hầm Hải Vân 2 là công trình khó khăn bậc nhất về mặt kỹ thuật và giải pháp công nghệ. Trong quá trình xây dựng, Nhà đầu tư phải xử lý các khâu kỹ thuật phức tạp, vừa thi công hầm Hải Vân 2 lại vừa phải đảm bảo an toàn công trình, an toàn giao thông cho hầm Hải Vân 1. Nhưng với kinh nghiệm đã có, tinh thần quyết tâm và năng lực đổi mới sáng tạo, Tập đoàn Đèo Cả đã giải quyết xuất sắc tất cả trở ngại kỹ thuật trong quá trình đào hầm. Điển hình, ngày 21/6/2018, Tập đoàn Đèo Cả đã xử lý thành công sự cố sụt đất và phun mạch nước ngầm, với hàng nghìn khối đất đá đổ xuống, lấp toàn bộ một đoạn tuyến hầm dài hàng chục mét khi đang chuẩn bị hợp long, bảo đảm an toàn tuyệt đối và giữ vững tiến độ thi công.

Bộ GTVT phối hợp cùng Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, UBDN TP.Đà Nẵng tổ chức khánh thành hầm đường bộ Hải Vân 2 thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Ảnh: Cao Dung

Bộ GTVT phối hợp cùng Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, UBDN TP.Đà Nẵng tổ chức khánh thành hầm đường bộ Hải Vân 2 thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Ảnh: Cao Dung

Với công nghệ được đổi mới, Dự án hầm Hải Vân 2 hoàn thành chỉ sau 3 năm thi công. Một so sánh nhỏ, thời hạn hoàn thành đào Hầm Hải Vân 1 là sau 5 năm, do một Tập đoàn đào hầm hàng đầu của Nhật Bản thi công. Dự án Hầm Hải Vân 2 phải đương đầu với khó khăn không hề nhỏ về tài chính - do khối lượng vốn cần thực hiện cho Dự án là không hề nhỏ và tiến độ cấp vốn thường xuyên bị động và gián đoạn nhưng với nỗ lực cao độ, sự phối hợp chặt chẽ của Nhà đầu tư, nhà thầu thi công và các ngân hàng hợp vốn, Dự án đã về đích chỉ sau 4 năm.

Tuy vậy, ở khía cạnh thể chế - tài chính, đến nay tổng thể Dự án Đèo Cả vẫn tồn tại những vướng mắc kéo dài cần được tích cực giải quyết để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư khi Dự án đã được đưa vào khai thác, sử dụng. Đó là, phần vốn Ngân sách nhà nước cam kết đóng góp vẫn còn 1.180 tỷ đồng chưa được giải ngân; tình trạng tranh chấp trạm thu phí Bắc Hải Vân đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư ước tính 486 tỷ đồng; việc điều chỉnh cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho Dự án so với hợp đồng đã ký đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, gây thiệt hại cho nhà đầu tư hơn 186 tỷ đồng; việc hoàn thuế VAT gặp khó khăn vì cơ chế, phương án thực hiện chưa thống nhất, gây thiệt hại cho nhà đầu tư 200 tỷ đồng; hướng tuyến cao tốc đoạn Bình Định - Phú Yên theo quy hoạch về phía Tây hầm Cù Mông khiến việc đầu tư xây dựng cao tốc giai đoạn sau sẽ gây thêm lãng phí.

Hai bên thành hầm được ốp gạch men, hệ thống camera giám sát, hệ thống thông gió cũng được đầu tư bài bản. Ảnh: Cao Dung

Hai bên thành hầm được ốp gạch men, hệ thống camera giám sát, hệ thống thông gió cũng được đầu tư bài bản. Ảnh: Cao Dung

Nhận thức nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán rất cần thiết (đảm bảo an toàn giao thông, giảm thời gian đi lại) tuy nhiên việc đưa Dự án vào khai thác, vận hành sẽ phát sinh rất nhiều chi phí (điện, nước, nhân công, bảo trì, bảo dưỡng hàng tháng lớn…) trong khi đó các vướng tài chính đã kéo dài vẫn chưa được giải quyết. Vì vậy, Tập đoàn Đèo Cả cả sẽ cố gắng tổ chức vận hành cho các phương tiện lưu thông qua 2 ống hầm trong 20 ngày, từ ngày 1/2/2021 đến hết ngày 21/2/2021 (tức từ ngày 20 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày 10 tháng Giêng năm Tân Sửu). Sau thời gian trên, hầm Hải Vân 2 sẽ tạm dừng vận hành (Hầm Hải Vân 1 vẫn hoạt động bình thường) để chờ cơ quan nhà nước có chức năng giải quyết các kiến nghị mà nhà đầu tư đã báo cáo nhiều lần trước đây.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả, việc một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hoàn thành dự án hầm Hải Vân chứng tỏ tính ưu việt của phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP). Cách làm này đã giúp huy động nguồn lực xã hội vào giải quyết các vấn đề phát triển của đất nước một cách hiệu quả - tiết kiệm chi phí không nhỏ, rút ngắn đáng kể thời gian thi công và đảm bảo chất lượng công trình. Cách làm này sẽ còn đem đến thành công to lớn hơn nữa nếu có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, sự tích cực của các địa phương và lựa chọn đúng nhà đầu tư - đủ năng lực, giàu tinh thần dân tộc và khát vọng cống hiến.