Dự kiến, sản phẩm đầu tiên của Nhà máy sản xuất động cơ máy bay Hanwha sẽ xuất xưởng vào tháng 1/2019. Ảnh: Lê Tiên |
Dự án Hanwha Aero Engines được Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 7/7/2017 với tổng vốn đầu tư là 200 triệu USD và khởi công xây dựng vào ngày 21/9/2017. Sau thời gian xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị, vận hành thử, Nhà máy chính thức khánh thành đi vào sản xuất hàng loạt. Dự kiến, sản phẩm đầu tiên sẽ xuất xưởng vào tháng 1/2019. Nhà máy tạo ra việc làm cho hàng nghìn lao động, đào tạo lao động chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng lực về công nghệ của Việt Nam. Hiện có khoảng 40 kỹ thuật viên của công ty mẹ tại Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam để đào tạo cho khoảng 200 kỹ thuật viên Việt Nam.
Tại Lễ khánh thành, Chủ tịch Tập đoàn Hanwha Kim Seung Yeon cho biết, Tập đoàn Hanwha là một trong mười tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, đi đầu trong ngành công nghiệp hàng không, robot..., doanh thu năm 2017 là 63 tỷ USD. Trong những năm gần đây, Hanwha đã đầu tư vào Việt Nam với các dự án tại Bắc Ninh, Long An, Hà Nội, TP.HCM với tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD và đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Việt Nam. Tập đoàn cũng đang triển khai mở rộng các hoạt động tại Việt Nam, bao gồm: Bảo hiểm Hanwha, Quản lý tài sản Hanwha, Hanwha Techwin, Hanwha Aerospace và Hanwha Energy, các công ty này tham gia vào các lĩnh vực tài chính, đầu tư, sản xuất, năng lượng mặt trời và hàng không.
Dự tính đến năm 2022, Tập đoàn sẽ đầu tư gần 4 tỷ USD vào lĩnh vực cấu kiện hàng không và công nghiệp quốc phòng nhằm mở rộng thị trường nước ngoài và tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu, đồng thời thể hiện quyết tâm thúc đẩy hoạt động kinh doanh hàng không của Hanwha Aerspace.
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình mong rằng Tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, có nhiều đóng góp lớn cho nền kinh tế Việt Nam.
Hy vọng đây sẽ là hình mẫu tiêu biểu cho hoạt động chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp Hàn Quốc cho Việt Nam, qua đó mở ra cơ hội tiếp cận lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, giúp chuyển giao và nâng cao năng lực về công nghệ cho Việt Nam.
Riêng đối với KCNC Hòa Lạc, ông Nguyễn Văn Bình đánh giá cao nhưng nỗ lực trong việc thu hút các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để đây thực sự là nơi khởi nghiệp công nghệ cao tốt nhất của Việt Nam và là điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư nước ngoài. Dự án này sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút đầu tư của Hàn Quốc và các quốc gia trên thế giới. Mong rằng sẽ có nhiều dự án thành công khác trong thời gian tới.
Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh hy vọng Dự án này sẽ góp phần thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ ở khu vực miền Bắc cũng như nhân rộng ra cả nước. Với mục tiêu phát triển trở thành một thành phố khoa học công nghệ sinh thái thông minh, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã chú trọng xúc tiến đầu tư từ các tập đoàn lớn về công nghệ cao. Trong giai đoạn 2017-2018, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Tính từ đầu năm đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã có 10 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 15.855 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đầu tư tại đây lên 87 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 78.000 tỷ đồng.