Khi cổ tức không hấp dẫn nhiều nhà đầu tư

(BĐT) - Năm 2015 trở thành kỷ niệm buồn với các nhà đầu tư theo trường phái mua cổ phiếu (CP) ăn cổ tức. Từ chỗ là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư ăn chắc mặc bền, sự dịch chuyển dòng tiền không theo cách truyền thống đã làm lung lay những nhà đầu tư kiên trì nhất dành cho CP trả cổ tức cao.
Mua cổ phiếu ăn cổ tức từng là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư “ăn chắc mặc bền”. Ảnh: LTT
Mua cổ phiếu ăn cổ tức từng là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư “ăn chắc mặc bền”. Ảnh: LTT

Cổ tức cao, xuống giá mạnh

Tháng 8/2015, Công ty CP Kido (KDC) là một trong những doanh nghiệp (DN) trả cổ tức cao nhất sàn chứng khoán từ trước đến nay với mức 200%/mệnh giá bằng tiền mặt (1 CP 10.000 đồng nhận cổ tức 20.000 đồng). Trước thời điểm chốt quyền ngày 11/8, CP này có giá 48.200 đồng/CP, sau ngày chốt quyền giá điều chỉnh xuống còn 28.200 đồng/CP.

Sau đó là chuỗi ngày rớt giá của KDC, có những lúc chạm giá 23.000 đồng/CP vào cuối tháng 10. Trước tình cảnh CP rớt giá mạnh, HĐQT Công ty này đã liên tục tung tiền mua CP quỹ đỡ giá. Sau khi hồi phục lên 29.200 đồng/CP, giá KDC lại rớt xuống 23.500 đồng/CP vào đầu tháng 1/2016.

Sự sụt giảm của KDC được lý giải bằng việc Công ty đã bán đi mảng kinh doanh linh hồn là bánh kẹo. Từ đó kéo theo doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh trong quý III và dự kiến quý IV/2015. Mua CP là mua sự kỳ vọng, khi DN mất ngành kinh doanh cốt lõi, nhà đầu tư rời bỏ CP cũng là điều dễ hiểu.

Một trường hợp khác có giá CP sụt giảm khiến nhà đầu tư không khỏi bất ngờ. Công ty CP Licogi 13 (LIG). Đây là một trong những nhà thầu có tiếng với thâm niên hoạt động hàng chục năm. Bên cạnh thầu xây dựng, làm hạ tầng, trong 2 năm trở lại đây, DN này lấn sân sang bất động sản và có “của ăn, của để”. DN này đạt doanh thu 9 tháng đầu năm là 958,75 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt hơn 22 tỷ đồng, tăng gần 62% so với cùng kỳ năm 2014. Quý IV/2015, Công ty dự kiến đạt doanh thu hợp nhất 372 tỷ đồng, LNTT hợp nhất gần 26,3 tỷ đồng. Tính chung cả năm, công ty ước đạt doanh thu hợp nhất là 1.324 tỷ đồng; LNTT hợp nhất là 48,6 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch năm.

Với kết quả kinh doanh ấn tượng cùng nguồn thặng dư vốn cổ phần từ các năm trước để lại, tháng 11/2015, Licogi quyết định chi trả cổ tức ở mức “khủng” kể từ khi lên niêm yết: trả tới 31%, trong đó có 5% bằng tiền mặt, 26% bằng CP. Trước ngày giao dịch không hưởng quyền LIG có giá 11.900 đồng/CP. Sau chia cổ tức, giá CP điều chỉnh còn 9.300 đồng/CP. Ngay sau đó CP giảm xuống còn 8.600 đồng/CP vào ngày 29/12/2015. Ngày 4/1/2016, LIG có một phiên tăng trần sau khi DN này được chấp thuận đầu tư vào tỉnh Quảng Trị. Một CP tốt và chiến lược kinh doanh rõ ràng vẫn đang ngụp lặn dưới mệnh giá khi không nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. 

Ngành bảo hiểm vốn là tâm điểm chú ý của thị trường trong năm vừa qua khi liên tục xuất hiện các con sóng. Tuy nhiên dòng tiền chỉ chạy vào những mã CP bảo hiểm đầu ngành hoặc có “game” riêng. Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PGI) trả cổ tức 10% vào ngày 16/12/2015. Sau khi trả CP điều chỉnh từ 18.000 đồng/CP về 17.000 đồng/CP, thanh khoản sụt giảm, giá CP chỉ còn xấp xỉ 16.000 đồng/CP.

Còn nhiều trường hợp hiện diện ở nhiều ngành, sau khi DN chia cổ tức, giá điều chỉnh thấp hơn cả mức giá sau khi trừ đi cổ tức. Điều này khiến các nhà đầu tư thiệt thòi ít nhất ở 3 góc độ. Một là họ phải chịu thuế thu nhập từ cổ tức được nhận. Hai là phải chờ đợi ít nhất 1 tháng sau khi chia cổ tức mới về tài khoản. Ba là mất cơ hội giao dịch và làm chậm vòng quay đầu tư.

Mua CP có “game”

Thị trường 2015 chứng kiến nhiều mã CP tăng phi mã. Điển hình là trường hợp CTCP Tài Nguyên (TNT), CP tăng từ 4.200 đồng/CP ngày 5/1/2015 (phiên đầu tiên trong năm 2015) lên mức 25.000 đồng/CP vào ngày 4/1/2016. Cũng trong khoảng thời gian 1 năm trở lại đây, CP TTF của Công ty CP Gỗ Trường Thành tăng từ 10.500 đồng/CP lên 28.700 đồng/CP. Đây là những CP tăng mạnh sau 1 giai đoạn dài suy thoái nên rất khó đoán định. Dòng cổ phiếu này không dành cho nhà đầu tư ưa an toàn, chắc chắn.

Những CP riêng lẻ có câu chuyện riêng thu hút được dòng tiền tạo ra mức tăng giá đáng kể như  Công ty CP Vận tải Container (VSC), Nhựa Bình Minh (BMP), Hóa chất Đức Giang (DGL), Bột giặt LIX (LIX), Ô tô (TMT), Bảo hiểm Bảo Minh (BMI)… Đây thường là những DN có mức tăng trưởng 2 con số, lượng CP lưu hành ít, thanh khoản vừa phải. Theo nhận định của các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, với những biến động khó lường hơn trong thời gian tới, việc lựa chọn CP tăng trưởng ổn định, hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào giảm (dầu, cao su), hội nhập TTP, lãi suất rẻ… là hướng đầu tư hiệu quả.   

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK Nhà nước: Giữ ổn định, thay vì tăng trưởng

TTCK trong năm 2016, chúng tôi dự báo sẽ khó khăn hơn 2015. Mục tiêu mà Ủy ban Chứng khoán đặt ra trong năm 2016 không phải alà tăng trưởng, mà là tiếp tục giữ ổn định thị trường trước nhiều yếu tố tác động bất lợi. Việc Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy giảm, trong khi quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với nước ta lớn, nên các tác động sẽ thấm dần vào Việt Nam và nhiều nước khác.

Tác động đối với Việt Nam tuy chậm, nhưng kéo dài hơn so với nhiều nước, nên cần đề phòng yếu tố này. Ngoài tiếp tục theo dõi sát sự dịch chuyển của dòng vốn ngoại để có giải pháp phù hợp, trong năm 2016, cần chú ý tới khả năng giá dầu thế giới duy trì ở mức thấp, sẽ tác động đến ngân sách. Ngoài ra, khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu chưa rõ nét.

Tin cùng chuyên mục