Làm sao để hội nhập mang lại nhiều quả ngọt |
Từ chuyện bác nông dân trồng hành
Có một câu chuyện vui được vị lãnh đạo cấp cao tham gia đoàn đàm phán hội nhập của Chính phủ kể lại. Chuyện rằng, ở một vùng quê nọ, có một bác nông dân thật thà, chất phác, gia đình bác nhiều đời nay đều trông vào mấy mẫu đất trồng hành làm sinh kế. Bữa nọ, đi chợ bán hành, bác nghe người ta kháo nhau nước ta chuẩn bị mở toang cửa cho hàng ngoại tràn vào, “từ cái tăm trở đi, hàng Việt cũng phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu”.
Về nhà, bác lo nghĩ đến mất ăn mất ngủ với bao câu hỏi trong đầu: Rồi đây hành Tây tràn vào, liệu hành lá, hành củ bé nhỏ của nhà bác trồng có còn ai mua? Hành không bán được thì nhà bác biết làm gì để kiếm sống?
Cơ duyên run rủi, tình cờ một hôm bác nông dân trồng hành gặp được vị lãnh đạo nọ. Bác nhận ngay ra vì nhiều lần thấy ông phát biểu trên truyền hình về hội nhập. Vậy là, bao nhiêu tâm tư dồn nén bấy lâu của bác có dịp được giải tỏa: “Ông xem, nhà tôi chỉ sống nhờ hành. Nay hội nhập, mở cửa, liệu hành tôi trồng có lại được với hành của Tây, có còn bán được không? Liệu tôi có phải phá hành trồng cái khác?”.
Trước nỗi lo của bác nông dân, vị khách nổi tiếng trả lời: “Bác cứ yên tâm trồng hành. Hành của nhà bác trồng là hành ta, còn hành của Tây là loại hành tây củ to đùng kia. Hai giống hành khác nhau, mỗi giống đều có giá trị riêng”.
“Mặc dù không biết cụ thể TPP là gì và Việt Nam sẽ tham gia như thế nào, nhưng nhiều người nông dân chân lấm tay bùn cũng bắt đầu cảm nhận được áp lực cạnh tranh mà hội nhập sẽ mang tới và trăn trở với câu hỏi mình sẽ phải thay đổi thế nào để thích ứng với thời cuộc mới”, vị lãnh đạo nhận xét.
… ngẫm về “mối lo” của doanh nghiệp
Trong chừng mực nào đó, câu chuyện của người nông dân trồng hành cũng là câu chuyện chung của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Dù đã quan tâm hơn đến hội nhập, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng nhìn thấy rõ ràng cơ hội cũng như thách thức mà hội nhập mang lại.
Nước ta đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng với thế giới, đồng nghĩa với cơ hội và thách thức phía trước cũng nhiều hơn. Tỷ lệ thuận với đó là nỗi lo của doanh nghiệp. Song “lo” ở đây, theo TS. Phạm Thùy Giang, Học viện Ngân hàng, là lo chớp cơ hội thành công, tính toán các giải pháp để đối phó với thách thức, chứ không phải là lo sợ.
“Thấy thách thức không phải để sợ, mà để thấy được bức tranh toàn cảnh về môi trường kinh doanh mà các doanh nghiệp đang tham gia. Từ đó, doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu về hội nhập để điều chỉnh ngành nghề kinh doanh cho phù hợp, nhằm tận dụng được tối đa thời cơ mang lại cho mình.
Cũng như ở cấp quốc gia, cần phải phát triển ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên lợi thế cạnh tranh quốc gia, ở cấp doanh nghiệp cũng cần phát triển những ngành nghề kinh doanh mà DN có nhiều lợi thế. Đồng thời với việc lựa chọn ngành nghề trọng tâm, phải là nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, củng cố lợi thế cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp”, TS. Giang nhấn mạnh.
Một vấn đề quan trọng nữa với các doanh nghiệp Việt, theo TS. Giang, là cần phải củng cố và xây dựng những thương hiệu mạnh. Các DN Việt nếu liên kết xây dựng được thương hiệu mạnh thì hoàn toàn có thể đứng vững.
Bình tĩnh nhận diện cơ hội và thách thức, chuẩn bị kỹ càng để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro từ hội nhập là tâm thế cần thiết của doanh nghiệp Việt. Với nhiều doanh nghiệp, điều này không còn xa lạ, bởi họ đang hàng ngày “va chạm” với hội nhập. Nói như Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, “đâu phải bây giờ ta mới hội nhập, mà thực tế ta đã hội nhập được 20 năm nay rồi”.
Tuy không ít DN phải dừng bước trước khó khăn, song cũng nhiều DN tận dụng được cơ hội từ hội nhập đã ngày càng trưởng thành lớn mạnh. Đó là một thực tế không thể phủ nhận.