Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Quan trọng là minh bạch
Là tập đoàn bán lẻ lớn nhất của nước Mỹ với gần 10.000 cửa hàng bán lẻ tại 28 quốc gia trên toàn cầu, hơn 245 triệu khách hàng mỗi tuần, việc được lọt vào chuỗi cung ứng của Walmart luôn là niềm mong mỏi của không ít DN. Các DN Việt Nam, nhất là các DN trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản, hàng tiêu dùng, dệt may, da giày, dịch vụ, thực phẩm… cũng không là ngoại lệ.
Ông Lê Văn Danh, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai, đã hỏi thẳng Phó Chủ tịch Walmart Lisa Schimmelpfenning là có thể khuyến nghị gì để hàng hoá Việt Nam vào hệ thống cửa hàng Walmart một cách dễ nhất?
Đáp lại câu hỏi này, bà Lisa Schimmelpfenning cho biết, Walmart vẫn đang tìm hiểu về hàng hoá Việt Nam để mua vào. Nhưng trước tiên, những sản phẩm đó phải đáp ứng mức giá hợp lý của khách hàng Walmart.
“Điều quan trọng là các DN Việt Nam phải cung cấp sản phẩm có chất lượng tốt, giá phải chăng với đủ số lượng mà chúng tôi yêu cầu” - vị Phó Chủ tịch phụ trách Hành chính và Tuân thủ trong xuất nhập khẩu của Walmart nhấn mạnh.
Bà Lisa Schimmelpfenning chia sẻ với giới DN Việt Nam rằng, vấn đề quan trọng là phải hiểu mô hình kinh doanh của Walmart có hiệu quả cho hoạt động của DN của mình và có đáp ứng được các dịch vụ, sản phẩm tốt cho khách hàng Walmart hay không.
Bên cạnh việc nhấn mạnh vai trò của thương mại điện tử, lãnh đạo của Walmart cho rằng, tốc độ rất quan trọng đối với ngành bán lẻ. Người tiêu dùng tìm đến đúng những thứ mà họ muốn và ta cần đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Điều Walmart cần chính là sự minh bạch trong quy trình sản xuất, quy trình hàng hoá trong chuỗi cung ứng, nhất là chi phí lưu kho và vấn đề kho vận.
Cần nhà cung cấp đủ chuẩn
Gần đây, nhiều chuyên gia nhận định, sau Trung Quốc, Việt Nam sẽ là nước thứ hai ở khu vực châu Á mà Walmart đang muốn mở rộng tìm kiếm đối tác sản xuất, xuất khẩu hàng hóa làm nhà cung cấp. Và nếu mọi chuyện thuận lợi, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt vào thị trường Mỹ sẽ gia tăng đáng kể.
Năm 2016, hệ thống bán lẻ Walmart sẽ mua khoảng 24 tỷ USD hàng hóa từ các nhà cung ứng do phụ nữ làm chủ trên toàn cầu, tăng khoảng gấp đôi so với năm 2015. Tuy nhiên, để hàng Việt chen chân vào chuỗi cung ứng này, các nhà cung ứng Việt Nam cần bảo đảm hàng hoá đạt tiêu chuẩn và đáp ứng mục tiêu trên toàn cầu. Cũng cần lưu ý rằng, trong số 215 quốc gia tham gia vào chuỗi cung ứng của Walmart, Việt Nam được xếp vào nhóm có mức rủi ro trung bình.
Theo giới chuyên gia, Walmart luôn biết cách để nhà cung cấp bán hàng với mức giá rẻ nhất. Các nhà cung cấp cho tập đoàn bán lẻ này có 2 lựa chọn, hoặc là bán hàng với giá rẻ nhất hoặc không nhận được đơn đặt hàng.
Những kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, Walmart thâm nhập vào bên trong hoạt động của các nhà cung cấp và thay đổi không chỉ mặt hàng sản xuất, cách bao gói, phương pháp giới thiệu sản phẩm, mà cả đời sống công nhân nhà máy. Mỗi khi mua hàng, Walmart đều chú ý đến chất lượng và kiểu dáng và không tiếc bỏ ra những khoản đầu tư lớn.
Trước câu hỏi từ giới DN tại TP.HCM là liệu Walmart có dự định phát triển thị trường bán lẻ ở Việt Nam, Phó Chủ tịch Lisa Schimmelpfenning chỉ nói rằng bà không biết Walmart có kế hoạch rót vốn vào Việt Nam hay không và cũng không thể trả lời trực tiếp về việc Walmart xem xét nghiêm túc khả năng đầu tư vào Việt Nam đến đâu.