Khó thu hút tư nhân đầu tư vào hạ tầng đường thủy

(BĐT) - Theo khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế, tăng cường đầu tư và quản lý hiệu quả mạng lưới hạ tầng đường thủy nội địa là hướng đi tất yếu của Việt Nam. 
Các dự án phát triển giao thông đường thủy thường gặp khó khăn và có nhiều rủi ro phát sinh hơn các công trình hạ tầng đường bộ. Ảnh: Lê Tiên
Các dự án phát triển giao thông đường thủy thường gặp khó khăn và có nhiều rủi ro phát sinh hơn các công trình hạ tầng đường bộ. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, khuôn khổ thể chế chưa rõ ràng đang khiến cho việc thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng đường thủy gặp không ít khó khăn.

Kém hấp dẫn vì nhiều rủi ro

Theo bà Yin Yin Lam, chuyên gia cao cấp ngành giao thông vận tải (GTVT) của Ngân hàng Thế giới (WB), về nguyên tắc, khu vực tư nhân có thể đóng góp kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn lực quý giá của họ đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy. Đầu tư tư nhân cũng là giải pháp thực tế đối với các dự án phát triển cảng, bến thủy có lưu lượng giao thông lớn. Tuy nhiên, các dự án phát triển giao thông đường thủy liên quan đến xây dựng tuyến giao thông và công trình điều hành nên thường gặp khó khăn và có nhiều rủi ro phát sinh hơn các công trình hạ tầng đường bộ. Đấy cũng là lý do vì sao một số dự án phát triển vận tải đường thủy nội địa có tiềm năng dù đã được Bộ GTVT Việt Nam kêu gọi đầu tư nhưng hiện vẫn chưa nhận được sự quan tâm của phía tư nhân như: Dự án Nâng cấp sông Hàm Luông từ ngã ba sông Tiền đến cửa sông Hàm Luông; Dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam…

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, nếu không có hỗ trợ tài chính từ Chính phủ thì khu vực tư nhân sẽ ít sẵn sàng nhận về mình cả rủi ro kỹ thuật của dự án giao thông đường thủy và rủi ro về doanh thu từ các hoạt động thương mại. Rủi ro thực tế của các dự án hạ tầng giao thông đường thủy bao gồm cả rủi ro giao thông (lưu lượng phương tiện qua lại), rủi ro về quy định pháp luật, rủi ro về khí hậu và rủi ro liên quan đến chủ quyền.

Do nhiều rủi ro phát sinh nên dự án đầu tư hạ tầng đường thủy kém hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân. Trên thực tế, Bộ GTVT đã đề xuất kêu gọi đầu tư một số dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực đường thủy nội địa nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có dự án nào được triển khai thành công. Chẳng hạn, Giai đoạn 1 Dự án Kênh Chợ Gạo đã được xem là một trong những dự án hứa hẹn có thể vận dụng hình thức PPP theo hướng thu phí từ người dùng để tạo nguồn thu. Tuy nhiên, cách tiếp cận này gặp phải sự phản đối đáng kể của người sử dụng, và Chính phủ đã không chấp thuận đầu tư theo hình thức PPP nên trong tương lai, dự kiến sẽ sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư mở rộng kênh Chợ Gạo. 

Nên có cơ chế chia sẻ rủi ro

Nhóm chuyên gia của WB khuyến nghị, để có thể thu hút được tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án giao thông đường thủy, Chính phủ Việt Nam cần có các cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư tư nhân dưới hình thức trợ cấp vốn đầu tư ban đầu, Nhà nước bảo đảm doanh thu hoặc bảo đảm mức phí thu được theo thời kỳ, hoặc kết hợp các hình thức nói trên. Thậm chí, nếu khu vực tư nhân sẵn sàng đầu tư cho dự án hạ tầng đường thủy thì Chính phủ vẫn cần bảo đảm hoặc cấp vốn để trả nợ và sau đó có thể thu hồi một phần kinh phí bằng cách tự thu phí từ đối tượng tham gia giao thông. Điều đó có nghĩa là Chính phủ nên nhận rủi ro thị trường khi cố gắng thu phí từ người sử dụng và Chính phủ sử dụng nguồn thu này để bù đắp một phần các khoản thanh toán cho dịch vụ và hạ tầng mà doanh nghiệp tư nhân cung cấp.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam nên áp dụng nguyên tắc cho phép các doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh thuê hoặc nhượng lại để họ đầu tư, nâng cấp và duy tu, bảo dưỡng từng phần hạ tầng điều hành giao thông đường thủy trong một số năm nhất định và đổi lại bằng quyền thu phí ở các dự án đường thủy này.

Ông Hoàng Anh Dũng, chuyên gia cao cấp ngành GTVT của WB cho rằng, trên thực tế, rất ít dự án giao thông đường thủy có thể đáp ứng được các tiêu chí đảm bảo mô hình PPP có phương án tài chính tối ưu. Và điều quan trọng để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực đường thủy hiện nay là cần điều chuyển một phần ngân sách tài trợ cho lĩnh vực đường bộ sang đường thủy nội địa; đồng thời xây dựng lộ trình minh bạch, hiệu quả để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp kết cấu hạ tầng, các dịch vụ vận hành và bảo trì hạ tầng đường thủy.