Khởi công Vành đai 3 TP.HCM vào cuối năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - TP.HCM vừa trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM. Đây là dự án quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội không chỉ các tỉnh có dự án đi qua mà còn cho khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. UBND TP.HCM đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị để Dự án được khởi công vào cuối năm 2023.
Giai đoạn 1 của Vành đai 3 TP.HCM có chiều dài 76 km, trong đó đoạn đi thấp có tổng chiều dài 53 km, đoạn trên cao 13 km. Ảnh St: Nhã Chi
Giai đoạn 1 của Vành đai 3 TP.HCM có chiều dài 76 km, trong đó đoạn đi thấp có tổng chiều dài 53 km, đoạn trên cao 13 km. Ảnh St: Nhã Chi

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, Vành đai 3 TP.HCM có điểm đầu (Km0+00) tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, điểm cuối (Km91+64) tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tổng chiều dài đầu tư khoảng 76,34 km, đi qua TP.HCM (khoảng 47,51 km), Đồng Nai (khoảng 11,26 km), Bình Dương (khoảng 10,76 km) và Long An (khoảng 6,81 km).

Theo kết quả khảo sát, tính toán, Dự án có khoảng 3.863 hộ bị ảnh hưởng, phải bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trong đó khoảng 1.476 hộ dự kiến phải bố trí tái định cư (TP.HCM 741 hộ, Đồng Nai 100 hộ, Bình Dương 515 hộ và Long An 120 hộ).

Theo Bộ Giao thông vận tải, Dự án phải cấp thiết được đầu tư. Việc UBND TP.HCM trình báo cáo nghiên cứu khả thi lên Thủ tướng Chính phủ để các bộ ngành tham mưu Chính phủ trình Quốc hội kịp thời trong kỳ họp sắp tới có ý nghĩa quan trọng. “Dự án được đầu tư mới phát huy đúng tiềm lực của TP.HCM, khu vực Đông Nam Bộ về kinh tế, xã hội. Đặc biệt, do thiếu các dự án giao thông có tính kết nối đồng bộ đang kéo giảm năng lực cạnh tranh của cả khu vực”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đánh giá.

Đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ được đầu tư công, dùng ngân sách địa phương có hỗ trợ từ Trung ương. Trong đó, ngân sách trung ương dự kiến bố trí 38.740 tỷ đồng để hỗ trợ 50% vốn đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và 75% đoạn qua tỉnh Long An. Đối với phần ngân sách địa phương bố trí cho các đoạn đi qua địa bàn, TP.HCM sẽ chi hơn 24.000 tỷ đồng, Đồng Nai khoảng 1.934 tỷ đồng, Bình Dương hơn 9.600 tỷ đồng và Long An hơn 1.050 tỷ đồng.

Giai đoạn 1 của đường Vành đai 3 có chiều dài 76 km, trong đó đoạn đi thấp có tổng chiều dài 53 km, đoạn trên cao 13 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75.377,86 tỷ đồng, bao gồm: chi phí xây lắp và thiết bị 25.945,26 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác là 3.113,43 tỷ đồng; chi phí dự phòng 4.730,06 tỷ đồng. Riêng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 41.589,11 tỷ đồng.

Đường Vành đai 3 sẽ được đầu tư công, dùng ngân sách địa phương có hỗ trợ từ Trung ương. Trong đó, ngân sách trung ương dự kiến bố trí 38.740 tỷ đồng để hỗ trợ 50% vốn đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và 75% đoạn qua tỉnh Long An. Đối với phần ngân sách địa phương bố trí cho các đoạn đi qua địa bàn, TP.HCM sẽ chi hơn 24.000 tỷ đồng, Đồng Nai khoảng 1.934 tỷ đồng, Bình Dương hơn 9.600 tỷ đồng và Long An hơn 1.050 tỷ đồng.

Được biết, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đều đã cam kết sẽ bố trí đủ vốn để triển khai Dự án theo tiến độ, trong trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư (các dự án thành phần) tăng thêm thì địa phương đó chịu trách nhiệm bố trí phần vốn tăng thêm từ ngân sách địa phương.

Khai thác quỹ đất dọc đường Vành đai 3 là một trong những phương án huy động nguồn vốn để đầu tư Dự án. TP.HCM cho biết, việc khai thác quỹ đất dọc Dự án sẽ giúp thu về nguồn lực lên tới 24.000 tỷ đồng phục vụ đầu tư. Tỉnh Đồng Nai dự trù đấu giá quỹ đất dọc tuyến với tổng diện tích khoảng 214 ha. Bình Dương và Long An đang rà soát quỹ đất.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, nếu tính toán hợp lý, đầy đủ để triển khai, nguồn thu từ đấu giá công khai quỹ đất dọc Dự án sẽ giúp cân đối kinh phí đầu tư. “Tuy nhiên, đây không phải là phương án duy nhất khả thi. Với tính chất của Dự án, đây là cơ hội để TP.HCM cũng như vùng lân cận khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong tổng thể nền kinh tế. Do đó, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp là rất khả thi, giảm áp lực cho việc phân bổ ngân sách trung ương”, chuyên gia này phân tích.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên khẳng định, Dự án cần được TP.HCM và các địa phương tận dụng các cơ chế chủ động nhằm tạo động lực đột phá. Ông Thiên cho rằng, linh hoạt trong việc huy động vốn, từ đa kênh, phát huy giá trị gia tăng của Dự án… sẽ giúp các địa phương chủ động được nguồn vốn nhưng vẫn bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả.