Mỗi doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay từ Quỹ Phát triển DNNVV tối đa 20 - 25 tỷ đồng, tùy theo từng chương trình. Ảnh: Lê Tiên |
560 tỷ đồng hỗ trợ DNNVV
Các chương trình hỗ trợ tài chính có tổng hạn mức cho vay là 560 tỷ đồng, bao gồm: hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo (100 tỷ đồng), hỗ trợ DNNVV tham gia chuỗi sản xuất, chế biến và bảo quản nông, lâm và thủy sản (210 tỷ đồng), hỗ trợ DNNVV sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử và cơ khí (150 tỷ đồng) và hỗ trợ DNNVV trong ngành hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (100 tỷ đồng).
Để tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ cho 4 chương trình này, các DN cần đáp ứng tiêu chí bắt buộc về DNNVV quy định tại Điều 6 Thông tư số 13/2015/TT-BKHĐT, có dự án/phương án sản xuất kinh doanh vay vốn để thực hiện đầu tư cơ bản phục vụ sản xuất. Ngoài ra, đối với chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo, các DN cần đáp ứng tối thiểu 1 trong 6 tiêu chí về đổi mới sáng tạo, bao gồm: được hỗ trợ, tài trợ đầu tư ít nhất một chương trình của Chính phủ Việt Nam hoặc nước ngoài nhằm thúc đẩy sáng tạo; hỗ trợ đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm; được giải ba trở lên tại các cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia; được cấp Giấy chứng nhận DN khoa học và công nghệ, DN công nghệ cao, được sử dụng ngân sách nhà nước trong phát triển công nghệ; có giải pháp kỹ thuật được bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích trong lĩnh vực liên quan đến các ngành kinh doanh của DN hoặc được nhận chuyền giao công nghệ từ Danh mục Công nghệ khuyến khích chuyển giao do Thủ tướng/Chính phủ ban hành và có chứng nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ. Đối với 3 chương trình còn lại, ngoài tiêu chí chung theo quy định tại Thông tư 13, các DN cần đáp ứng điều kiện là DNNVV có thời gian hoạt động 3 năm kể từ thời điểm đăng ký kinh doanh.
Về các nội dung cụ thể cho vay trong chương trình, bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ Phát triển DNNVV cho biết, thời gian ân hạn trả gốc từ 18 - 24 tháng, mỗi DN được vay tối đa 20 - 25 tỷ đồng tùy theo từng chương trình, tương đương 70% tổng mức vốn đầu tư hợp lý của dự án. Mức lãi suất cho vay được duy trì ở mức cố định 7%/năm trong toàn bộ thời hạn vay vốn. Tuy nhiên, Quỹ chỉ cho vay đối với các dự án có mục đích vay vốn để đầu tư xây dựng cơ bản, chứ không cho DN vay để làm vốn lưu động.
Không chỉ hỗ trợ tín dụng
Về hồ sơ vay vốn, theo đại diện SMEDF, DN cần có đủ 3 loại giấy tờ, bao gồm giấy phép đăng ký kinh doanh của DN; điều lệ hoạt động của DN và giấy đăng ký tham gia tiếp nhận vốn vay từ Quỹ. Quỹ sẽ bắt đầu chính thức tiếp nhận hồ sơ xin vay của DN trong đợt 1 từ ngày 15 đến 30/7/2016. DN có thể gửi hồ sơ vay vốn trực tiếp tới Quỹ Phát triển DNNVV hoặc tới 1 trong 3 ngân hàng thương mại đã ký thỏa thuận với Quỹ về việc nhận ủy thác cho vay là Vietcombank, BIDV và HDBank.
Theo quy trình, các NHTM sẽ chịu trách nhiệm khâu thẩm định hồ sơ vay vốn của DN, tuy nhiên, để bảo đảm tối đa khả năng tiếp cận được với nguồn vốn của Quỹ, đại diện SMEDF khẳng định DN vẫn hoàn toàn có thể trực tiếp nộp lại hồ sơ xin vay vốn tới Quỹ để chuyển đề xuất vay vốn sang ngân hàng ủy quyền cho vay khác trong trường hợp hồ sơ của DN bị ngân hàng gửi tới từ chối.
Ngoài ra, điều rất đáng chú ý là để giải quyết khó khăn về tài sản thế chấp, vốn được coi là rào cản lớn đối với DNNVV trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhà nước và các NHTM từ lâu nay, Quỹ yêu cầu các NHTM nhận ủy thác không được đòi hỏi tài sản bảo đảm vượt quá toàn bộ tổng giá trị khoản vay đối với các DN đã được tiếp nhận hồ sơ và thẩm định thành công. Bên cạnh đó, DN hoàn toàn có thể sử dụng chính các tài sản hình thành trong tương lai từ nguồn vốn vay như các dây chuyền công nghệ, hạ tầng… để làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay.