Khơi mạch nguồn sức mạnh dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sự tiến bộ về vật chất không phải lúc nào và ở đâu cũng đem đến hạnh phúc cho con người nếu không có hệ giá trị định chuẩn để nuôi dưỡng đời sống tinh thần của xã hội theo hướng chân, thiện, mỹ. Đảng ta đã nhận thức rất rõ vai trò của văn hóa và con người trong quá trình phát triển bền vững đất nước.
Giá trị cốt lõi trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là “Dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”. Ảnh: Phú An
Giá trị cốt lõi trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là “Dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”. Ảnh: Phú An

Kế thừa và phát triển nhận thức của Đảng về xây dựng hệ giá trị được nêu ra từ Đại hội VIII của Đảng, Đại hội XIII (2021) đã khẳng định: "Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới".

Những giá trị chuẩn mực

Trong hành trình của sự nghiệp Đổi mới hơn 36 năm qua, Đảng ta luôn trăn trở, tìm tòi về xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới. Điều đó cho thấy, đây là vấn đề cốt lõi, trọng yếu và cũng là vấn đề rất khó khăn, phức tạp, cần có sự thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong bối cảnh sôi động của quá trình đổi mới và hội nhập. Mặc dù là vấn đề khó khăn, phức tạp, kéo dài nhiều kỳ Đại hội nhưng đã đến lúc chúng ta phải có câu trả lời để đáp ứng nhu cầu phát huy các giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng và yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.

PGS. TS Phạm Duy Đức

PGS. TS Phạm Duy Đức

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hoá gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Có thể khẳng định, đây là sự tổng kết và khái quát hóa cao những hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam cần được khẳng định và triển khai xây dựng trong thời kỳ đổi mới hiện nay ở Việt Nam. Tư tưởng nổi bật và xuyên suốt ở đây là xây dựng các hệ giá trị này phải đảm bảo kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Nhân lên giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam

Về giá trị chuẩn mực con người Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 8 chuẩn mực và cũng là 8 đặc tính cần thiết phải củng cố và xây dựng là “yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”. Bên cạnh 5 đặc tính truyền thống vốn có của con người Việt Nam là yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, Tổng Bí thư đã chú trọng đến các chuẩn mực mới cần xây dựng là trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Điều này rất phù hợp để con người Việt Nam vừa kế thừa và phát huy được giá trị truyền thống, đạo lý của dân tộc, vừa đề cao kỷ cương, trách nhiệm của công dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Về giá trị gia đình Việt Nam, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh đến các giá trị cơ bản và cốt lõi là "ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh". “Ấm no” là nguyện vọng chính đáng và là điểm tựa cơ bản để xây dựng gia đình hạnh phúc. Hạnh phúc của gia đình Việt Nam không chỉ dựa trên cơ sở vật chất ổn định, giàu có, mà còn phụ thuộc vào sự bền chặt của các giá trị tinh thần, tình cảm huyết thống và gia phong, nề nếp của gia đình. Những giá trị này phù hợp với xu hướng tiến bộ, văn minh của thời đại, đảm bảo các quyền bình đẳng nam nữ, quyền của trẻ em và chăm sóc, phụng dưỡng người già, tri ân công đức đối với các thế hệ tiền nhân trong dòng tộc và đất nước, khắc phục những lề thói lạc hậu trong gia đình, cộng đồng.

Về giá trị văn hóa Việt Nam, Tổng Bí thư đã khẳng định bốn đặc trưng và cũng là giá trị cốt lõi trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là: “Dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”. Đây là những giá trị đã được khẳng định trong Nghị quyết số 33/NQ-TW, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững (2014) và đã được sự thống nhất cao trong các văn kiện của Đảng từ khóa X đến nay.

Đối với hệ giá trị văn hóa quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta, Tổng Bí thư đã đúc kết thành 9 giá trị tiêu biểu "Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc". Đây là sự kế thừa, phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Người căn dặn trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, cũng như đúc kết những thành tựu về xây dựng hệ giá trị trong các văn kiện Đại hội Đảng các khóa gần đây.

Hòa bình là một giá trị cơ bản của dân tộc Việt Nam, được hình thành từ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, được phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và phù hợp với khát vọng chung của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Trong tiến trình lịch sử, nhân dân ta đã chiến đấu, hy sinh để giành lại hòa bình cho dân tộc Việt Nam. Không có hòa bình thì không có phát triển. Vì vậy, Đảng ta đã liên tục khẳng định, cần phải giữ gìn môi trường hòa bình cho phát triển bền vững đất nước, trong đó có môi trường hòa bình ở bên trong và môi trường hòa bình khu vực và quốc tế.

Giá trị "hòa bình" của Việt Nam gắn liền với bảo vệ "hòa bình" thế giới. Vì vậy, Việt Nam đã tham gia tích cực vào củng cố hòa bình ở khu vực và thế giới. Đây cũng chính là chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa mà Đảng ta đã đề ra. Điều này phản ánh tầm nhìn rộng lớn và sâu sắc mà Tổng Bí thư nêu ra khi đề cao giá trị hòa bình lên vị trí đầu tiên của hệ giá trị quốc gia.

Giá trị "thống nhất" phản ánh nguyện vọng của nhân dân trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vì sự thống nhất đất nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Sự thống nhất ở đây trước hết là sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất về ý chí, tinh thần, tình cảm và nghị lực của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thống nhất về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng, đối ngoại. Điều quan trọng hơn cả là thống nhất trong "lòng dân" phù hợp với "ý Đảng". Đoàn kết là cơ sở cho sự thống nhất ý chí và khát vọng của quốc gia dân tộc. Sự thống nhất là điều kiện để tạo nên động lực tinh thần, sức mạnh nội sinh quan trọng nhất để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Giá trị "độc lập'' là giá trị xuyên suốt trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam và được đặc biệt đề cao trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh: "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Trong thời kỳ hòa bình, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, giá trị "độc lập" vẫn là giá trị cốt lõi chi phối mọi hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bài học kinh nghiệm lịch sử của dân tộc đã cho chúng ta thấy rõ giá trị của "độc lập", tự chủ, tự cường dân tộc chính là nguồn gốc làm nên sức mạnh sáng tạo, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc trước mọi thách thức của lịch sử.

Lựa chọn giá trị "độc lập'' là một đòi hỏi tất yếu khách quan của sự nghiệp Đổi mới hiện nay. Tất nhiên, quan niệm "độc lập" ở đây không phải là sự ''đóng băng", "khép kín" mà đặt trong mối quan hệ tương tác, tùy thuộc lẫn nhau theo tinh thần đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của mỗi quốc gia, dân tộc, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường như hiện nay.

Các giá trị "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" là các giá trị đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) và bản Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011.

“Dân giàu” là nguyện vọng phấn đấu chung của tất cả mọi người dân Việt Nam. Dân giàu ở đây là giàu cả vật chất và tinh thần. Dân giàu là sự nâng cao mức sống chung của tất cả các tầng lớp nhân dân ở mọi vùng miền của Tổ quốc trên cơ sở giúp đỡ nhau làm giàu hợp pháp, xóa bỏ bất bình đẳng, đảm bảo an sinh xã hội để mọi người dân đều được hưởng thụ thành quả của phát triển, chứ không phải dành riêng cho một nhóm người. Dân giàu phải gắn liền với khát vọng cống hiến để phát triển đất nước hùng mạnh, nâng cao vị thế và uy tín của quốc gia trong quan hệ quốc tế. Nước mạnh ở đây bao gồm cả sức mạnh về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, đối ngoại, an ninh, quốc phòng để giữ vững độc lập, chủ quyền của quốc gia - dân tộc.

Dân giàu, nước mạnh phải dựa trên nền tảng của dân chủ, công bằng, văn minh. Dân chủ ở đây là dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền làm chủ của người dân trên cơ sở tôn trọng và thực hiện Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong phát triển.

Giá trị “hạnh phúc” là giá trị bao quát tổng hợp khát vọng của toàn dân tộc về cuộc sống hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hạnh phúc là mục tiêu phấn đấu chung của dân tộc ta và cũng là mục tiêu của tất cả người dân Việt Nam hiện nay. Hạnh phúc của quốc gia - dân tộc phải được đo bằng sự hài lòng của người dân về chất lượng cuộc sống không ngừng cải thiện gắn liền với các thể chế, cơ chế và điều kiện đảm bảo quyền hạnh phúc của người dân, cùng sự nỗ lực phấn đấu của mỗi người dân trong xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho mình và cho đất nước, xây dựng hình ảnh về một dân tộc hạnh phúc.

Nhìn tổng thể, hệ giá trị quốc gia mà Tổng Bí thư nêu ra đã bao trùm mục tiêu phát triển bền vững đất nước và cũng là mục tiêu phấn đấu chung của toàn Đảng, toàn dân ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Hệ giá trị cốt lõi của quốc gia mang tính phổ quát này có ý nghĩa định hướng và định hình cho các hệ giá trị văn hóa, giá trị gia đình và chuẩn mực của con người Việt Nam hiện nay. Các hệ giá trị này có mối liên hệ biện chứng, tác động và hỗ trợ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam nói riêng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam nói chung.

Giá trị con người là trung tâm, giá trị gia đình là cơ bản, giá trị văn hóa là nền tảng, giá trị quốc gia là mục tiêu cao cả. Tiến hành triển khai đồng bộ và toàn diện các hệ giá trị, cụ thể hóa các hệ giá trị này phù hợp với từng lĩnh vực, từng ngành, từng địa phương, từng tổ chức và cá nhân nhằm phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Tin cùng chuyên mục