Sau hơn 2 tháng thực hiện các giải pháp tại Chỉ thị số 24/CT-TTg, nền kinh tế có nhiều chuyển biến, khởi sắc rõ nét. Ảnh: Lê Tiên |
Đây là tinh thần chung thể hiện tại Hội thảo “Đảm bảo nhất quán trong điều chỉnh chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) tổ chức ngày 19/9.
Ít nhất 5 chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch
Theo ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT, sau hơn 2 tháng nỗ lực thực hiện các giải pháp tại Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017, nền kinh tế có nhiều chuyển biến, khởi sắc rõ nét. Tăng trưởng GDP bứt phá, các chỉ số vĩ mô khác đều ổn định, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, lạm phát được kiềm chế dưới mức Quốc hội đề ra. Các chỉ số tài chính, tiền tệ đều được bảo đảm, tăng trưởng tín dụng 8 tháng trên 10% và mục tiêu cả năm là 21% nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của cả nền kinh tế.
Đặc biệt, hoạt động sản xuất kinh doanh chứng kiến sự tăng trưởng rất ngoạn mục. Đáng chú ý, khu vực công nghiệp chế biến chế tạo, 8 tháng chỉ số IIP ngành này đạt trên 10%, cao hơn cùng kỳ năm trước. Ông Phương cho biết, mức tăng này đã bù đắp được đáng kể sự sụt giảm của ngành khai khoáng, đặc biệt là dầu thô.
Chỉ số xuất nhập khẩu, đến thời điểm này, theo ông Phương cũng có những kết quả rất ấn tượng. Xuất khẩu đã tăng 18%, nhập khẩu tăng 22%. Nhập khẩu tỷ lệ lớn là nguyên vật liệu, máy móc đầu vào cho sản xuất, tín hiệu cho thấy nền sản xuất trong nước đang rất khởi sắc. Dự kiến tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu vượt xa so với mục tiêu đề ra từ đầu năm và nhập siêu nằm trong tầm kiểm soát.
Vẫn theo ông Phương, về cơ bản các mục tiêu kế hoạch về phát triển về kinh tế - xã hội cả năm Quốc hội đã đề ra có khả năng đạt được, trong đó ít nhất 5 chỉ tiêu vượt mục tiêu.
Ông Phương cũng nhấn mạnh, Chính phủ không tăng trưởng bằng mọi giá, mà đang tập trung tận dụng tất cả các cơ hội và tháo gỡ những khó khăn cản trở tăng trưởng. Có thể thấy rõ hầu hết các chỉ đạo, nghị quyết, chỉ thị mới của Chính phủ đều nhắm vào mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp, từ đó sẽ có tác động thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.
Giải quyết những ràng buộc lớn của nền kinh tế
Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, lúc này nên nhìn vấn đề tăng trưởng rộng hơn, không chỉ là mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn hay dài hạn bao nhiêu, mà phải đặt tăng trưởng cùng với giải quyết những ràng buộc, mâu thuẫn lớn. Đó là muốn tăng trưởng trong ngắn hạn và trung hạn nhưng khó khăn về ngân sách; muốn tăng trưởng nhưng lại muốn tái cấu trúc, trong khi tái cấu trúc phải có hy sinh, có nỗi đau, có phí tổn, có chia sẻ nguồn lực; muốn tăng trưởng nhưng cũng muốn phải ổn định, trong khi ổn định vĩ mô chưa hoàn toàn vững chắc, không chỉ lạm phát mà còn liên quan đến cán cân thanh toán quốc tế, lành mạnh hệ thống ngân hàng, ngân sách…
Vấn đề là làm sao đạt được tăng trưởng nhưng không phá vỡ những mục tiêu dài hạn mà chúng ta mong muốn, là tái cấu trúc, cải tổ bộ máy nhà nước, ổn định vĩ mô, ngân sách nhà nước bền vững.
Ông Thành gợi mở hai cánh cửa để Việt Nam giải quyết được cả bài toán ngắn hạn và dài hạn. Thứ nhất là hội nhập để có thể tận dụng thị trường, nhà đầu tư, công nghệ, chia sẻ rủi ro. Cánh cửa thứ hai là khơi thông nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả trong nước và khu vực FDI. Theo ông Thành, nguồn lực còn rất nhiều, hàng năm người dân tiết kiệm tương đương khoảng 28 - 30% GDP, giải ngân FDI tương đương khoảng 6 - 7% GDP, trong khi đó tổng vốn đầu tư toàn xã hội tương đương khoảng 31 - 32% GDP. Như vậy, chỉ cần huy động được nguồn lực từ dân, từ khu vực tư nhân đã vượt nhu cầu đầu tư. “Nguồn lực tài chính trong dân còn rất lớn, hãy khai phá”, ông Thành nhấn mạnh.
Đặc biệt quan trọng, ông Thành và nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ chế chính sách cần tính đến cả những cái sẽ đến, thay vì chỉ sửa chữa, cởi trói những vướng mắc cái đã, đang xảy ra.