Khu vực tư nhân là động lực phát triển quan trọng bậc nhất trong mỗi nền kinh tế |
Phát huy động lực tăng trưởng mới – con đường duy nhất
Là một trong những người thắp lên ngọn lửa cải cách, đổi mới, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhiều lần nhắc đến phải tìm kiếm, phải phát huy những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, bởi theo ông, động lực tăng trưởng cũ đã tới hạn. Chỉ ít năm nữa, Việt Nam sẽ qua thời kỳ dân số vàng, lợi thế về lao động giá rẻ không còn, những dư địa cho tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên khoáng sản không còn nhiều lợi thế. Việt Nam đang hội nhập sâu hơn, chấp nhận hội nhập là chấp nhận cạnh tranh. Vì thế, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là yếu tố sống còn. Việt Nam phải đổi mới hơn nữa nếu không muốn tụt hậu lại phía sau và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng phân tích các chỉ báo cho thấy khá rõ tăng trưởng kinh tế đã giảm tốc trong năm 2016, và nếu không có những đổi mới rõ nét, tăng trưởng có thể chững lại vào năm 2018, 2019. Trong bối cảnh tiêu dùng và cầu đầu tư nội địa chưa có sự bứt phá, động lực tăng trưởng trong thời gian qua vẫn phụ thuộc nhiều vào ngoại lực (khối FDI), khai thác tài nguyên thiên nhiên và đầu tư công.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, những năm tiếp theo phải là giai đoạn tăng tốc của nền kinh tế để đạt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững trong trung và dài hạn. Để làm được điều đó, nền kinh tế phải giải quyết được một loạt những vấn đề liên quan đến thể chế thị trường; động lực phát triển; nguồn lực đầu tư; giữ được ngọn lửa đổi mới và kiên định với chính sách lớn về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao được năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Và theo nhiều ý kiến, hai động lực mới rất quan trọng để đạt được phát triển bền vững trong giai đoạn tới đó là tăng trưởng kinh tế phải đến từ nâng cao năng suất lao động, phát triển khu vực tư nhân.
Năng suất là yếu tố quyết định
Quay lại câu hỏi tại Báo cáo Việt Nam 2035: “Điều gì sẽ quyết định con đường mà Việt Nam sẽ đi để trở thành một nền kinh tế công nghiệp hiện đại vào năm 2035 như mục tiêu?”, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chỉ ra kinh nghiệm quốc tế cho thấy, kết quả về tăng năng suất sẽ là điều cơ bản. Những nước không có khả năng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình dù họ có tăng trưởng nhanh hay không gần như hoàn toàn do năng suất trì trệ. Ít nhất 90% tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam phải được đóng góp từ năng suất lao động trong bất kỳ kịch bản khả thi nào.
Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2016, nhiều đối tác phát triển lớn bày tỏ quan ngại mặc dù nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá cao, nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng về năng suất tăng chậm và đang có chiều hướng giảm. Đồng thời, các đối tác này cảnh báo Việt Nam, “cái bẫy” phát triển thường liên quan đến sự đình trệ về năng suất và đây là trở ngại lớn cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Theo Giám đốc WB tại Việt Nam - ông Ousmane Dione, tốc độ tăng năng suất lao động chung của Việt Nam có xu hướng giảm trong 20 năm qua, năng suất lao động của các doanh nghiệp trong nước thấp hơn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rất nhiều. Đến nay, tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đạt 4% và có xu thế đi xuống. Trong khi đó, tỷ lệ tăng năng suất lao động của Trung Quốc là trên 7%, Hàn Quốc là 5% khi các nước này còn ở cùng trình độ phát triển như hiện nay của Việt Nam. Điều này khiến Việt Nam khó theo kịp quỹ đạo tăng trưởng của Hàn Quốc hay Singapore.
Các chuyên gia quốc tế chỉ ra lý do gây ra suy giảm về tăng năng suất ở Việt Nam là năng suất của khu vực tư nhân trong nước bị giảm sút mạnh, khiến cho khu vực này cũng kém hiệu quả như khu vực nhà nước, trong khi khu vực tư nhân phải là động lực chính để đảm bảo tăng trưởng trong tương lai.
Để cải thiện năng suất lao động, Báo cáo Việt Nam 2035 khuyến nghị, trọng tâm trước mắt cần tập trung vào 4 vấn đề: ưu tiên cải cách số một là phải tạo môi trường thuận lợi để khu vực tư nhân trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất. Thứ hai là, cải tổ toàn diện khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Để đảm bảo thành công cho 2 ưu tiên này, phải tạo sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách về thuế, tiếp cận đất đai, vốn và hợp đồng mua sắm công. Những doanh nghiệp có các mối quan hệ thân hữu quan trọng (DNNN, phần lớn các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, một số doanh nghiệp tư nhân lớn) đều có lợi thế hơn so với khu vực tư nhân. Những doanh nghiệp thân hữu lại không phải là doanh nghiệp có năng suất lao động cao. Thứ ba là, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng thị trường, thương mại hóa và giảm mạnh sự can thiệp của Nhà nước. Thứ tư là, cải thiện kết nối giữa các doanh nghiệp xuất khẩu có năng suất cao hơn với các nhà cung ứng trong nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng suất.
Tạo sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, khu vực tư nhân là động lực phát triển quan trọng bậc nhất trong mỗi nền kinh tế và với Việt Nam đây cũng là một động lực tăng trưởng mới trong tương lai khi các động lực tăng trưởng cũ đã không còn nhiều dư địa. Thế nhưng tại Việt Nam, khu vực này, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang gặp rất nhiều rào cản để phát triển, để có thể phát huy vai trò động lực tăng trưởng mới của mình.
Theo khuyến nghị của WB, để chấm dứt tình trạng trên, cần thúc đẩy, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, tạo sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế, khuyến khích họ kết nối và cạnh tranh nhằm tạo ra những chuỗi giá trị hiệu quả trong và ngoài nước. Cần đổi mới mạnh hơn để tạo ra những thể chế thị trường hiệu quả, ví dụ áp dụng cơ chế thị trường trong phân bổ vốn và đất đai. Có như vậy mới đảm bảo tài nguyên được phân bổ cho các mục đích sử dụng hiệu quả nhất. Nếu thiết lập được và đảm bảo thị trường đất đai vận hành hiệu quả, sẽ là thành quả đáng kể trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Đó sẽ là nhân tố quan trọng mang lại lợi ích kinh tế - xã hội to lớn cho người dân và doanh nghiệp tư nhân.
Phân bổ nguồn lực đất đai, vốn, tài nguyên theo nguyên tắc thị trường, dựa trên hiệu quả sử dụng nguồn lực chính là giải pháp căn cơ để mọi thành phần kinh tế phát triển bình đẳng, tạo ra cơ hội cho khu vực tư nhân – một động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Và cơ hội mở ra cho các động lực tăng trưởng mới cũng chính là cơ hội cho cả nền kinh tế tăng tốc trên hành trình phát triển.