Khơi thông dòng vốn tư nhân cho kết cấu hạ tầng

(BĐT) - Từ ngày 19/6/2018, các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP (NĐ 63/2018).
Nhiều vấn đề nổi cộm trong thực hiện dự án BOT, BT thời gian qua sẽ được hạn chế khi Nghị định số 63/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Ảnh: Nhã Chi
Nhiều vấn đề nổi cộm trong thực hiện dự án BOT, BT thời gian qua sẽ được hạn chế khi Nghị định số 63/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Ảnh: Nhã Chi

Nhiều điểm mới tại NĐ 63/2018 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án PPP thời gian qua, mở ra nhiều khả năng hiện thực hóa và thúc đẩy mạnh mẽ hình thức đầu tư này trong tương lai.

Giải quyết bước đầu những vướng mắc chủ yếu hiện nay

NĐ 63/2018 đã được ký ban hành ngày 4/5/2018, thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP (NĐ 15).

Có hiệu lực từ ngày 10/4/2015, qua hơn 3 năm thực hiện, NĐ 15 đã tạo ra khung pháp lý thống nhất để thu hút đầu tư tư nhân vào kết cấu hạ tầng với những quy định tiệm cận với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, thực tế đến thời điểm này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, gần như chưa có dự án PPP đúng nghĩa nào theo NĐ 15 và Nghị định 30/2015/NĐ-CP được thực hiện. Các dự án được triển khai xây dựng và vận hành trong thời gian qua chủ yếu vẫn là dự án chuyển tiếp từ khung pháp lý cũ là Nghị định số 108/2009/NĐ-CP; các dự án thực hiện theo quy định tại NĐ 15 hầu hết vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Thực tế này do nhiều nguyên nhân, từ vướng mắc về quy định pháp luật hiện hành đối với dự án PPP có sự chồng chéo giữa các luật liên quan trong khi quy định về PPP mới ở tầm nghị định; nhân sự triển khai thực hiện dự án PPP, cách thức triển khai dự án chưa bài bản, chuyên nghiệp; đến khó khăn về nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án, hạn chế về nguồn cung cấp tín dụng thương mại,...

Những vướng mắc này khó có thể giải quyết triệt để ở tầm nghị định. Tuy nhiên, khi việc xây dựng Luật PPP mới đang ở những bước đầu tiên, trong phạm vi cấp nghị định cho phép, không vượt quá các quy định tại các luật hiện hành, NĐ 63/2018 được kỳ vọng giải quyết được bước đầu những vướng mắc chủ yếu hiện nay.

Tăng sức hấp dẫn, mở thêm cơ hội

Có nhiều điểm mới đáng chú ý tại NĐ 63/2018, vừa tăng hấp dẫn, mở ra nhiều cơ hội đối với nhà đầu tư, vừa đơn giản hóa quy trình thủ tục và nâng cao hiệu quả dự án, hiệu lực quản lý.

Trong đó, NĐ 63/2018 quy định rõ hơn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án PPP (bao gồm cả trường hợp dự án có sử dụng hoặc không sử dụng vốn đầu tư công) trên cơ sở đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công. Trong đó, quy định rõ hơn trình tự, thủ tục triển khai dự án PPP sử dụng công nghệ cao với mục đích tạo sự linh hoạt trong quá trình triển khai và giảm thời gian, chi phí trong giai đoạn lập dự án.

NĐ 63/2018 mở rộng nguồn vốn được sử dụng làm phần Nhà nước tham gia thực hiện dự án, ngoài vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Với NĐ 63/2018, Nhà nước có thể sử dụng nhiều nguồn lực khác để tham gia, hỗ trợ nhà đầu tư trong dự án PPP, như giá trị quyền sử dụng đất, tài sản công, tài sản kết cấu hạ tầng, quyền kinh doanh khai thác công trình, dịch vụ... Vốn thanh toán cho nhà đầu tư đối với các dự án theo hợp đồng BTL, BLT cũng quy định mở hơn. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh linh hoạt trong việc sử dụng.

Tính chất đặc thù của dự án PPP được phản ánh rõ hơn tại NĐ 63/2018, nhiều thủ tục được đơn giản hóa, rút ngắn giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; đồng thời bổ sung quy định công khai thông tin hợp đồng dự án để đảm bảo minh bạch và tạo điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước có công cụ quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu về các dự án PPP.

Nhiều vấn đề nổi cộm trong thực hiện dự án BOT, BT thời gian qua cũng sẽ được hạn chế khi NĐ 63/2018 được thực thi. Với NĐ 63/2018, quy định trình tự thực hiện dự án BT theo hướng quản lý chặt chẽ chất lượng và giá trị công trình nhằm tránh thất thoát, lãng phí các nguồn lực quốc gia, đặc biệt là nguồn lực đất đai; đồng thời mở rộng phương thức thanh toán cho nhà đầu tư trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn chế.