Các ngân hàng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn, khả năng kiểm soát rủi ro và năng lực xử lý nợ xấu sẽ được xem xét nới định mức tăng trưởng tín dụng. Ảnh: Lê Tiên |
Khó lòng khống chế cứng
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ đầu năm 2019, Chính phủ nêu rõ: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất linh hoạt, phối hợp hài hòa với các chính sách tài khóa, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…”.
Thông điệp về điều hành chính sách đã điều chỉnh theo hướng: “Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng… Mở rộng tín dụng gắn với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng”, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019. Liên quan đến tăng trưởng kinh tế, nghị quyết này nêu mục tiêu “thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, toàn diện hơn và bền vững hơn”.
Ở những năm trước, tăng trưởng kinh tế cao hầu như gắn với tăng trưởng tín dụng cao. Điều này đã không lặp lại trong năm 2018 khi tăng trưởng kinh tế ở mức 7,08% trong khi tăng trưởng tín dụng khiêm tốn ở mức 14%.
Thành quả tích cực đó khiến nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng kinh tế cao đã không còn nhất thiết phải đi cùng với tăng trưởng tín dụng cao. Song thực tế, tín dụng vẫn là phần cung ứng vốn chủ đạo cho cả nền kinh tế với mức gồng gánh lên đến 86%, theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.
Đó cũng là lý do khiến việc tăng trưởng tín dụng đòi hỏi phải gắn liền với tăng chất lượng và mang lại hiệu quả lớn hơn trong tổng tăng trưởng sản phẩm quốc nội.
Mặt khác, chủ trương mở rộng tín dụng có thể sẽ tạo sự linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ xét về mặt phân bổ tín dụng cho các ngân hàng đáp ứng hoặc vượt tiêu chuẩn.
Đó là các ngân hàng đã đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước từng công bố, những ngân hàng này sẽ được nới định mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2019.
Năm 2018, có ngân hàng chỉ tăng trưởng tín dụng trên 6%, song một số ngân hàng khác lại tăng trưởng tín dụng 19 - 20%. Điều này hẳn sẽ xảy ra tương tự trong năm 2019 bởi các ngân hàng cũng có sự phân hóa về nguồn vốn và khả năng kiểm soát rủi ro, năng lực xử lý nợ xấu.
Kiểm soát cách nào?
Về việc kiểm soát chất lượng tăng trưởng tín dụng, theo ông Ánh, các ngân hàng thương mại có cách kiểm soát dòng vốn cho vay. Đó là, thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cao với các khoản vay dành cho các lĩnh vực nhạy cảm. Đồng thời, hệ thống đánh giá tín nhiệm đối với cá nhân và tổ chức đi vay của các ngân hàng làm việc tốt sẽ hạn chế được rủi ro và nâng chất lượng các khoản vay.
Bên cạnh đó, quy trình xét duyệt tín dụng cho các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực có rủi ro cao như chứng khoán và bất động sản, cần được hoàn thiện và thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ.
Cuối cùng, các ngân hàng đảm bảo các tiêu chuẩn về vốn và năng lực quản trị cần được nới tín dụng, nếu không sẽ tạo lượng vốn dư thừa và không hiệu quả.
Ở khía cạnh khác, năm 2019 cũng là thời điểm các ngân hàng phải thực hiện Thông tư 16/2018/TT-NHNN. Trong đó, nội dung đáng chú ý là các ngân hàng chỉ được phép sử dụng 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn, thay vì con số 45% trước đây. Nội dung này đã góp phần buộc các ngân hàng phải tự kiểm soát dòng vốn của mình.
“Để thực hiện điều này, ngân hàng có một số cách điều chỉnh rủi ro kỳ hạn qua thị trường liên ngân hàng, hoặc đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để giảm rủi ro, điều chỉnh cơ cấu huy động từ tiền gửi ngắn hạn sang đẩy mạnh thu hút vốn trung, dài hạn, hoặc sử dụng công cụ như trái phiếu....”, ông Ánh nhấn mạnh.
Như vậy, hạn mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng thương mại vẫn được quản lý dựa trên khung khổ pháp lý mới. Với hạn mức đó, các ngân hàng thương mại phải kiểm soát rủi ro nhằm đảm bảo hiệu quả và chất lượng tín dụng. Nhờ đó, họ không chỉ củng cố năng lực hoạt động của tổ chức mà còn kỳ vọng về mức tăng trưởng tín dụng cao hơn ở năm tiếp theo, nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì nguyên tắc điều hành như hiện nay.