Khủng hoảng bất động sản gây áp lực lên thị trường trái phiếu Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bloomberg, cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc của Trung Quốc đang gây áp lực lên khoảng 1,6 nghìn tỷ USD trái phiếu trong nước, khi các thành phố và chính quyền địa phương vào vai "hiệp sĩ trắng" để cứu trợ các nhà phát triển địa ốc gặp khó khăn.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Sau khi thay thế các công ty xây dựng để trở thành những người mua đất lớn nhất vào đầu năm nay, "các phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương (LGFV)" tại Trung Quốc hiện là khách hàng chính tại các dự án đã hoàn thành của những công ty bất động sản vỡ nợ, bao gồm China Evergrande Group.

Tuy nhiên, sự tham gia ngày càng tăng của LGFV vào lĩnh vực bất động sản đã khiến giới phân tích đặt ra dấu hiệu cảnh báo. Theo Moody’s Investors Service, động thái này có thể ảnh hưởng đến hồ sơ tín dụng của các cơ quan cấp vốn nhà nước. Dù hiện tại không có LGFV nào bị vỡ nợ, song Bloomberg Economics không loại trừ khả năng một vụ vỡ nợ LGFV sắp xảy ra.

Mặc dù chính sách tiền tệ nới lỏng của Trung Quốc phần lớn đã đẩy chi phí vay trong nước xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, bao gồm cả đối với hầu hết các LGFV, mức chênh lệch tín dụng trung bình trên một số trái phiếu địa phương LGFV hoạt động kém nhất đã tăng gần gấp đôi kể từ giữa tháng 1/2022, lên gần 10%.

Những nỗ lực giải cứu trực tiếp và sự can thiệp sâu hơn vào bất động sản đang làm dấy lên mối lo ngại mới về sức khỏe tài chính của những chính quyền địa phương là mắt xích yếu nhất trong khu vực công ở Trung Quốc, trong bối cảnh giá nhà ở sụt giảm kỷ lục và các khoản chi tiêu do Covid-19 tăng mạnh đang "bóp nghẹt" các công ty phụ thuộc vào tài trợ của chính phủ.

Bloomberg nhận xét, một vụ vỡ nợ tiềm ẩn có thể gây ra biến động lớn hơn trên thị trường 11,6 nghìn tỷ Nhân dân tệ (1,6 nghìn tỷ USD) trái phiếu của các LGFV - vốn chiếm khoảng 1/3 trái phiếu doanh nghiệp địa phương của Trung Quốc.

"Chính phủ cần dựa vào LGFV trong thời kỳ suy thoái kinh tế, nhưng một khi chính sách thay đổi, chúng tôi không loại trừ khả năng vỡ nợ trái phiếu công khai của LGFV. Trung Quốc có thể sẽ tập trung vào việc thanh toán nợ chính quyền địa phương khi tốc độ tăng trưởng tăng lên, đồng thời rủi ro vỡ nợ sẽ không tăng lên trong 6 tháng tới”, Zerlina Zeng, nhà phân tích tín dụng cấp cao tại CreditSights ở Singapore cho biết.

Nhà phân tích David Qu và Chang Shu tại Bloomberg Economics ước tính, tổng số nợ của LGFV - bao gồm cả các khoản vay ngân hàng - lên tới 60 nghìn tỷ Nhân dân tệ (8,4 nghìn tỷ USD), hoặc khoảng một nửa GDP của Trung Quốc. Do đó, việc vỡ nợ sẽ gây ra những hậu quả lớn.

LGFV đã nổi lên sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đóng một vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho đường xá, cầu và tàu điện ngầm khi chính phủ trung ương tăng cường kích thích để giữ cho nền kinh tế Trung Quốc.

Tháng trước, Tập đoàn Đầu tư xây dựng thành phố Quảng Châu - một LGFV được sự hậu thuẫn của thành phố Quảng Châu - đã mua lại một lô đất được dành để xây dựng sân vận động bóng đá sức chứa 80.000 người từ Evergrande. Với thỏa thuận này, Tập đoàn hiện chịu trách nhiệm hoàn thiện nốt việc xây dựng sân vận động. Trước đó, Evergrand ước tính dự án có tổng vốn đầu tư 12 tỷ Nhân dân tệ nhưng mới chỉ đầu tư 2 tỷ Nhân dân tệ. Phần còn lại giờ đây sẽ do LGFV này chi trả, sau khi chi 57 tỷ Nhân dân tệ cho các dự án bất động sản khác tính tới tháng 3 năm nay.

Các LGFV ở các thành phố kinh tế yếu hơn đã mang theo rủi ro tín dụng cao hơn. Nếu các dự án dở dang cần nguồn tiền lớn để tiếp tục triển khai, điều này gây ra rủi ro lớn hơn nữa cho các LGFV đứng sau.

Trước khi trở thành "hiệp sĩ trắng", LGFV đã cho những nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn vay tiền. Hiện tại, việc đảm nhận vai trò quan trọng trong xây dựng dự án khu dân cư đã củng cố niềm tin của giới đầu tư rằng các LGFV có sự đảm bảo ngầm từ chính quyền địa phương - điều đã giúp các LGFV tránh được các vụ vỡ nợ trái phiếu công khai, theo các nhà phân tích tại Tianfeng Securities Co.

Theo Ivan Chung, nhà phân tích của Moody’s, nếu càng có nhiều nhà phát triển bất động sản lâm vào cảnh khốn đốn trong thời gian dài nhất từ ​​trước đến nay và sự suy yếu của thị trường nhà ở Trung Quốc không có dấu hiệu giảm bớt, thì sẽ có nhiều áp lực hơn đối với các LGFV. Các thành phố có tình hình tài chính căng thẳng sẽ gặp khó khăn.

"Các LGFV ở các thành phố kinh tế yếu hơn đã mang theo rủi ro tín dụng cao hơn. Nếu các dự án dở dang cần nguồn tiền lớn để tiếp tục triển khai, điều này gây ra rủi ro lớn hơn nữa cho các LGFV đứng sau", ông Ivan Chung nhận xét.

Tin cùng chuyên mục