Giai đoạn 2016 - 2030, không tính các nguồn điện BOT thì Việt Nam cần khoảng 148 tỷ USD vốn đầu tư cho phát triển nguồn và lưới điện. Ảnh: Thế Anh |
Hợp tác công tư (PPP) được xem là một giải pháp hiệu quả để gỡ khó cho ngành điện.
Nhu cầu điện năng vẫn tăng cao
Theo bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong 15 năm trở lại đây, mức tăng trưởng điện năng thương phẩm của Việt Nam đã liên tục ở mức cao, khoảng 9,5%/năm và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong giai đoạn tới. Cụ thể, nhu cầu điện năng đã tăng nhanh ở mức 11% trong giai đoạn 2011 - 2016. Dự kiến, nhu cầu điện năng sẽ tăng trên dưới 10% ít nhất trong 10 năm tới. Nếu quy đổi theo đơn vị tấn dầu tương đương (TOE), thì theo chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050, nhu cầu tiêu thụ năng lượng dự kiến khoảng 100 - 150 triệu TOE đến năm 2020 và khoảng 310 - 320 triệu TOE đến năm 2050.
Để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng, Việt Nam đang phải chuyển đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng thành một nước nhập khẩu năng lượng. “Nếu như trước đây, Việt Nam từng xuất khẩu gần 10 triệu tấn than thì dự kiến thời gian tới Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 17 triệu tấn than, chiếm khoảng 31% nhu cầu than cho phát điện vào năm 2020 và tăng mạnh hơn vào những năm sau đó”, đại diện Bộ Công Thương thông tin.
Cũng theo vị lãnh đạo Bộ Công Thương, Việt Nam cũng dự kiến sẽ nhập khẩu khí hóa lỏng để phát điện từ năm 2023, đồng thời xem xét tăng nhập khẩu điện từ các nước láng giềng… Việc khuyến khích đầu tư các dự án điện là rất quan trọng, trong đó có hình thức PPP, nhằm phát triển và đảm bảo an ninh năng lượng đất nước.
Đại diện Tổng cục Năng lượng cho biết, trong cơ cấu đầu tư ngành điện hiện nay thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không còn “độc quyền” trong sản xuất và cung ứng điện. Tham gia vào ngành điện hiện này còn có các đơn vị khác như: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam…
PPP góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách
Liên quan đến câu chuyện đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ cho phát triển, tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam - Australia 2017 do Bộ Công Thương tổ chức sáng qua (23/5), đại diện Tổng cục Năng lượng cho biết, áp lực về đầu tư cho ngành điện trong thời gian tới là rất lớn. Xét về vốn, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện (không tính các nguồn điện BOT) thì giai đoạn 2016 -2030 cần khoảng 148 tỷ USD. Trong đó, riêng giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 40 tỷ USD, trung bình khoảng 7,9 tỷ USD/năm; giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 108 tỷ USD, trung bình 10,8 tỷ USD/năm. “Đây là thách thức vô cùng lớn”, vị đại diện Tổng cục Năng lượng trăn trở.
Trước áp lực trên, đề cập trong phiên thảo luận các chính sách của Chính phủ về an ninh năng lượng bền vững và hiệu quả trong khuôn khổ Diễn đàn về năng lượng Việt Nam với chủ đề “hiện tại và tương lai” được tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cho rằng, áp dụng PPP để phát triển năng lượng sẽ là một phương án đầu tư trong tương lai.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Phạm Quốc Đông, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Lotus Việt Nam cho rằng, PPP là hình thức đầu tư rất phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam. Áp dụng PPP với ngành điện sẽ góp phần giảm áp lực cho ngân sách cũng như giảm áp lực cho ngành điện trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Để khuyến khích được khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào ngành điện, nhất là các dự án PPP, ông Đông kiến nghị, Chính phủ cần có hành lang pháp lý tốt hơn nữa trong lĩnh vực này để cho các nhà đầu tư, trong đó có nước ngoài, đầu tư phát triển ngành điện. Bên cạnh đó, thời gian giải quyết các thủ tục về đầu tư một dự án điện vẫn dài và còn nhiều thủ tục…, chưa kể có những “giấy phép con” và “chi phí ngầm” còn gây khó khăn cho DN muốn đầu tư.
Cùng chung quan điểm này, một đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần có chính sách động viên khuyến khích các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, theo hướng cải thiện hợp đồng, ưu đãi hơn cho các nhà đầu tư để họ tham gia đầu tư nhiều hơn vào các dự án điện của Việt Nam theo hình thức PPP.