“Kích hoạt” đổi mới sáng tạo trong khu vực công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau quá trình nghiên cứu, tham vấn chuyên sâu dựa trên kinh nghiệm quốc tế và trong nước, bộ khung tiêu chí thử nghiệm đo lường đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong khu vực công đã được công bố tại Hội thảo ĐMST trong khu vực công diễn ra ngày 22/12/2022. Việc thử nghiệm khung tiêu chí này được kỳ vọng kích hoạt ĐMST trong khu vực công, góp phần tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển này càng lớn mạnh.
Hội thảo Đổi mới sáng tạo trong khu vực công. Ảnh: Nguyễn Thủy
Hội thảo Đổi mới sáng tạo trong khu vực công. Ảnh: Nguyễn Thủy

Hệ sinh thái ĐMST dần hình thành

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC) cho hay, với nhiều chính sách được ban hành như: Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Luật Đầu tư năm 2020; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến 2025”… đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy phát triển ĐMST sôi động hơn. “Có thể nói, hệ sinh thái ĐMST tại Việt Nam đã bắt đầu hình thành và đạt được những kết quả tích cực trong thời gian qua, đặc biệt ở khu vực tư nhân”, ông Huy đánh giá.

Năm 2022, Chỉ số ĐMST toàn cầu của Việt Nam được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế và thuộc nhóm đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua.

Việt Nam đang trở thành là một trong ba trụ cột chính của “Tam giác vàng khởi nghiệp Đông Nam Á” trong thu hút đầu tư vào khởi nghiệp ĐMTS. Số lượng các thương vụ đầu tư cũng như lượng vốn đầu tư liên tục tăng qua các giai đoạn.

Song, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để xây dựng một hệ sinh thái ĐMST bền vững và đồng bộ, sự vào cuộc của khu vực công là một yếu tố then.

Theo kết quả nghiên cứu về ĐMST trong khu vực công được NIC cùng nhóm nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra tại Hội thảo, Việt Nam chưa có chính sách hay chiến lược riêng cho ĐMST; nhận thức của công chức trong các đơn vị hành chính còn hạn chế; nguồn nhân lực cho chuyển đổi số còn thiếu… Trong khi đó, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực công là mục tiêu chính của các Chính phủ để các chính sách và dịch vụ công hướng tới mục tiêu và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng tốt hơn và hiệu quả hơn.

Lan tỏa thêm những điểm sáng

Tại Hội thảo, TS. Phạm Thị Thu Trang, thành viên của nhóm nghiên cứu giới thiệu Bộ khung tiêu chí thử nghiệm đo lường ĐMST khu vực công với 4 trụ cột chính (các yếu tố đầu vào của ĐMST, năng lực ĐMST, quá trình ĐMST và đầu ra ĐMST) và các tiêu chí thành phần khác.

Bà Trang cho biết, việc thử nghiệm khung tiêu chí nêu trên nhằm cung cấp góc nhìn tổng quan trong việc hình thành khái niệm và đo lường mức độ ĐMST và năng lực ĐMST trong khu vực công. Đồng thời, việc thử nghiệm khung tiêu chí giúp các đơn vị trong khu vực công nhìn nhận rõ mức độ và động lực ĐMST của đơn vị mình. Trong tương lai, khung tiêu chí này được kỳ vọng là thước đo tin cậy để các đơn vị, tổ chức trong khu vực công tự đánh giá được năng lực ĐMST của mình, từ đó điều chỉnh và triển khai các giải pháp phù hợp dựa trên các khuyến nghị.

Đánh giá cao Bộ khung tiêu chí được giới thiệu, các đại biểu đến từ Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh… cũng chia sẻ một số sáng kiến ĐMST trong quá trình hoạt động bước đầu đã mang lại những hiệu quả rõ rệt.

Ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia cho biết, việc thúc đẩy áp dụng đấu thầu qua mạng xuất phát từ chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm đẩy mạnh công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế và được thể chế hóa vào văn bản pháp lý. Theo đó, việc triển khai áp dụng đấu thầu qua mạng thời gian qua không chỉ giúp các bên liên quan tiết kiệm chi phí về tiền bạc, thời gian mà còn tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho các bên tham gia hoạt động này, nhất là các nhà thầu.

Bà Lê Thị Hồng Mai, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế chia sẻ về sáng kiến cảnh báo sớm hành vi vi phạm cho doanh nghiệp. Cụ thể là việc thiết lập gửi cảnh báo vi phạm bằng tin nhắn (email, tin nhắn điện thoại, tin nhắn Zalo…) cho người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Bà Mai cho biết, sáng kiến này xuất phát từ thực tế là nhiều doanh nghiệp vi phạm do không quan tâm, hoặc không biết các quy định pháp luật về doanh nghiệp… Sáng kiến này không chỉ góp phần làm lợi về tài chính cho doanh nghiệp, mà còn giảm thiểu những vi phạm quy định pháp luật một cách đáng tiếc.

Tin cùng chuyên mục