![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số". Ảnh: Dương Giang |
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một sự kiện quan trọng ở một thời khắc quan trọng, có ý nghĩa quan trọng với tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa" của những ngày tháng Tư lịch sử cách đây 50 năm để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhằm cụ thể hóa và đưa các chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị vào thực tiễn cuộc sống.
Sáng tạo để phát triển nhanh và bền vững
Phát biểu tại Lễ phát động, Thủ tướng khẳng định, trong thế giới ngày nay, khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) không chỉ là yêu cầu khách quan, là xu thế tất yếu của thời đại mà còn là con đường quan trọng nhất để bứt phá, vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, vững mạnh, xã hội văn minh, hiện đại, đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới.
Thời gian qua, sự nghiệp phát triển KHCN, ĐMST, CĐS đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường. Thể chế về KHCN, ĐMST, CĐS tiếp tục được hoàn thiện; hạ tầng số phát triển mạnh mẽ; dữ liệu số được xây dựng và đẩy mạnh kết nối, khai thác; hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo từng bước phát triển hiệu quả. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước làm chủ và phát triển một số công nghệ cốt lõi trong sản xuất, chế tạo, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và nâng cao giá trị nội địa hóa, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế.
Đơn cử trong lĩnh vực dầu khí, năm 2012, đội ngũ kỹ sư Công ty CP Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) đã ghi tên Việt Nam là một trong số rất ít nước đủ năng lực chế tạo giàn khoan tự nâng. Tháng 4/2024, Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã hoàn thành cẩu lắp cấu kiện lớn nhất để hoàn thiện chân đế đầu tiên trong số 33 chân đế trụ điện gió ngoài khơi do Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) đặt hàng. Cũng trong năm 2024, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh đã xuất xưởng máy biến áp 500kV - 3x300MVA. Sự kiện này đưa Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất tại Đông Nam Á chế tạo thành công máy biến áp có công suất lớn như vậy.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, rào cản, nút thắt cản trở sự phát triển của KHCN, ĐMST, CĐS; nghiên cứu, ứng dụng KHCN, ĐMST chưa có bước đột phá, thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu…
Ngoài ra, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra nhanh chóng, sâu sắc, toàn diện hơn, hầu hết các nước trên thế giới đều đẩy mạnh phát triển KHCN, ĐMST, hiện đại hóa nền quản trị quốc gia. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN, ĐMST, CĐS là văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam cho phát triển nhanh và bền vững. Nghị quyết nêu rõ, KHCN, ĐMST, CĐS quốc gia là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới. Theo đó, thể chế được coi là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, song cũng là “đột phá của đột phá”.
Nhiều cơ hội cho các chủ thể đổi mới, sáng tạo
Để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương và giải pháp được nêu ra tại Nghị quyết số 57-NQ/TW, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật Đấu thầu, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, phát triển KHCN, ĐMST, CĐS quốc gia đáp ứng các yêu cầu phát triển.
Theo đó, định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu trong Dự thảo Luật sửa đổi 7 luật của lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính đề xuất chính sách nhằm tạo cơ chế linh hoạt, tạo thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động thực hiện nhiệm vụ KHCN, ĐMST, CĐS quốc gia.
Theo hướng này, cơ quan chủ trì xây dựng Luật đề xuất bổ sung vào khoản 7 Điều 3 về nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu đối với tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN theo phương thức khoán chi sử dụng ngân sách nhà nước, mua gom trực tiếp hàng hóa, dịch vụ từ hộ gia đình, cá nhân trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp thì tổ chức, cá nhân được tự quyết định trong việc lựa chọn nhà thầu.
Về ưu đãi trong đấu thầu, đề xuất bổ sung đối tượng ưu đãi là sản phẩm ĐMST, sản phẩm dịch vụ công nghệ trong nước; bổ sung đối tượng ưu tiên là doanh nghiệp (DN) KHCN, DN công nghệ cao, tổ chức KHCN, trung tâm nghiên cứu và phát triển; DN nhỏ và siêu nhỏ khi chào thầu sản phẩm ĐMST trong lĩnh vực công nghệ được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, bổ sung đối tượng ưu đãi được “ưu tiên trong đánh giá về tư cách hợp lệ” trong quá trình đánh giá HSDT đối với DN thuộc lĩnh vực này.
Trong lựa chọn nhà đầu tư, bổ sung quy định nhà đầu tư là DN KHCN, ĐSMT, DN sở hữu hoặc có bản quyền công nghệ chiến lược thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi. Đồng thời, sửa đổi bổ sung quy định ưu tiên trong đánh giá về năng lực, kinh nghiệm.
Dự thảo sửa đổi Luật đề xuất bổ sung trường hợp chỉ định thầu các gói thầu thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết số 57 (gói thầu mua sắm sản phẩm là kết quả nghiên cứu KHCN; gói thầu mua sắm sản phẩm, dịch vụ số để thúc đẩy CĐS quốc gia…).
Bổ sung hình thức chỉ định nhà đầu tư với dự án thuộc lĩnh vực KHCN, ĐMST, CĐS quốc gia mà nhà đầu tư đề xuất dự án là DN sở hữu, có bản quyền công nghệ chiến lược; dự án cần tiếp tục lựa chọn DN trước đó đã triển khai hạ tầng, nền tảng số nhằm bảo đảm đồng bộ kết nối hạ tầng, nền tảng số. Bổ sung trường hợp dự án đầu tư kinh doanh nghiên cứu, ứng dụng và phát triển KHCN, ĐMST, CĐS được áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt…
Đánh giá cao đề xuất của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, đây là những cơ chế cần thiết để khuyến khích phát triển KHCN, ĐMST, CĐS, là động lực và cũng là chìa khóa để DN nâng cao chất lượng, tiến độ các dự án. Vì thế, việc đề xuất bổ sung nhiều chính sách mới tại Luật Đấu thầu sẽ tạo “cú hích”, động lực cho các nhà thầu hoạt động trong lĩnh vực KHCN, ĐMST, CĐS.
Ông Đặng Thanh Sơn, Trưởng phòng Đấu thầu thuộc Công ty CP Tư vấn quản lý dự án xây dựng CMAXX kỳ vọng những cơ chế này sẽ tạo thêm động lực, giúp nhà thầu là các DN nhỏ, DN khởi nghiệp ĐMST có nhiều cơ hội tham gia đấu thầu, nâng cao năng lực cạnh tranh. “Hy vọng rằng, khi có chính sách mới, các chủ đầu tư/bên mời thầu sớm cụ thể hóa vào các hồ sơ mời thầu để tạo cơ hội cho các nhà thầu cũng như sản phẩm KHCN, ĐMST, CĐS quốc gia tham gia”, ông Sơn bày tỏ.