“Kiểm toán thì bay trên trời,... tham nhũng thì đi dưới đất”

(BĐT) - “Kiểm tra, kiểm toán và tham nhũng, tiêu cực như 2 đường thẳng song song, mà kiểm tra, kiểm toán thì bay trên trời, tham nhũng, tiêu cực thì đi dưới đất. Hai nội dung này ít gặp nhau, thi thoảng gặp ở những ga do nhân dân và báo chí phát hiện”.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt ví von "Kiểm toán bay trên trời, tham nhũng đi dưới đất nên ít khi gặp nhau". Nguồn: Giao thông
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt ví von "Kiểm toán bay trên trời, tham nhũng đi dưới đất nên ít khi gặp nhau". Nguồn: Giao thông

Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội đã ví von như vậy khi bày tỏ quan điểm về việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhiều nhưng hiệu quả phát hiện còn thấp.

Kiểm toán và tham nhũng là 2 đường thẳng song song

Mặc dù đánh giá cao những kết quả mà công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã đạt được trong thời gian qua, nhưng các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vẫn cho rằng, việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhiều nhưng hiệu quả phát hiện còn thấp.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), tính đến ngày 31/8/2016, toàn ngành đã hoàn thành Báo cáo kiểm toán (BCKT) Quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014, Báo cáo kiểm toán năm 2015 và một số báo cáo chuyên đề. Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ 97 BCKT cho thấy cơ bản kết quả kiểm toán vẫn được duy trì tốt so với các năm trước, trong đó đã kiến nghị xử lý tài chính là 13.150,7 tỷ đồng (tăng thu 2.719,1 tỷ đồng; giảm chi 2.306 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 8.125,5 tỷ đồng).

Tổng hợp sơ bộ kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của các đơn vị được kiểm toán đến ngày 31/8/2016 cho thấy, tổng số kiến nghị xử lý tài chính các đơn vị được kiểm toán đã thực hiện đạt 9.046/19.194 tỷ đồng, bằng 47,1%; trong đó tăng thu, giảm chi 5.819/12.137 tỷ đồng, bằng 48%. Số kiến nghị kiểm toán chưa được các đơn vị được kiểm toán thực hiện, KTNN sẽ tiếp tục đôn đốc, tổ chức kiểm tra trong những tháng còn lại của năm 2016.

Với kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán nêu trên, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm:“Chúng ta đã kiểm toán, phát hiện ra rồi thì phải có trách nhiệm thu hồi, yêu cầu đơn vị được kiểm toán khắc phục sai phạm. Thậm chí phải tái kiểm toán để xem đơn vị thực hiện đến đâu, có nghiêm không”.

Bên cạnh đó, dù đánh giá cao những kết quả mà kiểm toán đã làm được, song ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh cũng thẳng thắn bày tỏ: thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhiều nhưng hiệu quả phát hiện còn thấp. Ông Việt dẫn chứng, thời gian trước, có tới 11 đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vào làm việc ở Vinashin nhưng không phát hiện được gì, sau này mọi chuyện mới vỡ lở.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh cũng chia sẻ những khó khăn mà KTNN gặp phải do “tồn tại 2 sổ sách, 2 khoản chi tiêu và 2 khoản thu nhập mà thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chỉ đi được 1 đường, còn 1 đường không thể hiểu được”. Dựa trên quan điểm như vậy, ông Việt ví von: “kiểm tra, kiểm toán và tham nhũng, tiêu cực như 2 đường thẳng song song, mà kiểm tra, kiểm toán thì bay trên trời, tham nhũng, tiêu cực thì đi dưới đất; 2 nội dung này ít gặp nhau, thi thoảng gặp ở những ga do nhân dân và báo chí phát hiện”. 

Tập trung những vấn đề lớn

Trong kế hoạch kiểm tra, kiểm toán năm 2017, UBTVQH đề nghị KTNN tập trung vào những vấn đề lớn của đất nước, vấn đề bức xúc trong xã hội, được người dân quan tâm.

Ông Võ Trọng Việt đề nghị, kế hoạch kiểm toán năm 2017 cần giảm các đầu mối, cơ quan được kiểm toán không lớn, tập trung vào các vấn đề bức xúc của xã hội như: vấn đề BOT, cơ chế xin-cho; những công trình, dự án lớn có nguy cơ thất thoát NSNN. “Nếu làm theo kế hoạch như KTNN đưa ra trong năm 2017 thì với lực lượng, đội ngũ kiểm toán như hiện nay sẽ không đủ sức tập trung vào những vấn đề lớn của đất nước” ông Việt nêu ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề xuất, bổ sung kế hoạch kiểm toán chuyên đề về quản lý nợ công để làm rõ việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và nên lồng ghép các nội dung, mục tiêu kiểm tra, kiểm toán để tránh chồng chéo, có tính thống nhất cao.

Đồng thuận với quan điểm trên, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh, nguồn vốn ODA không phải là cái cho không, nó có những quy định, điều kiện hết sức ngặt nghèo. Trên thực tế, hiện các công trình sử dụng nguồn vốn ODA nhiều, việc đội vốn, thất thoát xảy ra ở một số công trình, dự án làm người dân, xã hội bức xúc. Các dự án, công trình sử dụng nguồn vốn ODA sẽ tác động rất lớn đến nợ công, do đó nên tập trung kiểm tra, kiểm toán để tránh tăng nợ công.

Ngoài ra, theo bà Nga, KTNN cũng cần phải làm rõ, đánh giá lại tại sao kiểm tra, kiểm toán nhiều nhưng không có vụ việc nào được chuyển sang cơ quan điều tra để tiến hành khởi tố. “Phải chăng các sai phạm này hoàn toàn chỉ là sai phạm trong công tác thu chi và chỉ cần xử lý tài chính thôi?”- bà Nga nêu quan điểm.