Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án, Bộ KH&ĐT kiến nghị cần “hóa giải” các vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án PPP. Ảnh: Lê Gia Khoa |
Bất cập này vừa được Bộ KH&ĐT chỉ ra tại Văn bản số 4826/BKHĐT-GSTĐ gửi Thủ tướng Chính phủ, qua đó đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án PPP hiện nay.
Chính sách pháp luật còn bất cập
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 40 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (CNĐKĐT) các dự án PPP gồm: (1) Văn bản đề nghị cấp giấy CNĐKĐT; (2) Thỏa thuận đầu tư và dự thảo hợp đồng dự án; (3) Báo cáo nghiên cứu khả thi và quyết định phê duyệt dự án; (4) Văn bản chấp thuận chủ trương sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án (nếu có); (5) Hợp đồng liên doanh và dự thảo điều lệ doanh nghiệp dự án (nếu có); (6) Quyết định lựa chọn nhà đầu tư.
Còn theo quy định tại Khoản 13 Điều 4; Điểm a Khoản 3 Điều 8 và Điểm a Khoản 3 Điều 17 Luật Đầu tư công, các dự án đầu tư công (nhóm A) có tổng mức đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Khoản 3 Điều 33 Luật Đầu tư công cũng quy định, đối với dự án PPP, trình tự, thủ tục, nội dung quyết định chủ trương đầu tư dự án được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Do đó, trên thực tế, một số dự án PPP ngành giao thông vận tải (GTVT) có quy mô từ 1.500 tỷ đồng trở lên ngoài việc thực hiện theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP thì còn phải thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định tại Nghị định số 136/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công. Đây là “nút thắt” của không ít dự án ngành GTVT hiện nay. Điển hình là Dự án PPP Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP. Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến gần 3.460 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách TP. Hải Phòng tham gia Dự án là gần 412 tỷ đồng. Hiện tại, hồ sơ đề nghị cấp giấy CNĐKĐT Dự án đã đủ 6 yếu tố theo quy định tại Khoản 1 Điều 40 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, hiện Dự án vẫn chưa có chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, nên vô hình trung, Dự án này rơi vào tình trạng “quyết định đầu tư dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư”, là hành vi bị cấm quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật Đầu tư công.
Tháo gỡ khó khăn bằng cách nào?
Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho các dự án PPP như Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình, Bộ KH&ĐT kiến nghị cần thiết phải sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là “hóa giải” các vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án PPP. Hiện tại, Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu để trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2015/NĐ-CP.
Trước đó, tại Văn bản số 9187/BKHĐT ngày 2/11/2016, Bộ KH&ĐT đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như thúc đẩy các dự án PPP thời gian tới. Trong đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP (2 Nghị định trực tiếp liên quan đến các dự án PPP hiện nay) trên tinh thần kiên định với chủ trương cạnh tranh và hội nhập; sau 2 - 3 năm phải tổng kết, tạo cơ sở nâng cấp quy định pháp luật. Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng Luật Đầu tư PPP, sau khi xây dựng thì sớm báo cáo Quốc hội xem xét ban hành để có hành lang pháp lý thống nhất trong quản lý thực hiện chương trình PPP.