“Kiến trúc sư trưởng” của các đạo luật quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có nền kinh tế phát triển năng động; chính trị - xã hội ổn định và có vị thế, uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế. 
“Kiến trúc sư trưởng” của các đạo luật quan trọng

Thành quả này có được là nhờ những quyết sách đúng đắn, kịp thời trong cải cách thể chế. Nhiều đạo luật được ban hành đã tạo ra những bước ngoặt có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo sức bật cho đất nước phát triển nhanh và bền vững. Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp và hoạch định chiến lược của Đảng và Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những đóng góp lớn trong việc ra đời của các đạo luật mang tính lịch sử này.

Luật Đầu tư: Nỗ lực vì một môi trường làm ăn cạnh tranh, bình đẳng

Khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, Đảng và Nhà nước ta đã định hướng mở cửa để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư, kiến thiết đất nước. Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hình thành và hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trước đòi hỏi của thực tiễn khách quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì xây dựng Luật Khuyến khích đầu tư trong nước. Luật này ra đời năm 1994 tạo ra khung pháp lý dành riêng cho các nhà đầu tư trong nước, thúc đẩy hoạt động đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam. Tại thời điểm đó, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước có sứ mệnh bảo đảm các cam kết của Nhà nước đối với dòng vốn tư nhân. Tuy nhiên, cùng với thời gian, thực tiễn hoạt động đầu tư nảy sinh một số bất cập, đòi hỏi nhiều quy định phù hợp và chặt chẽ hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì xây dựng và được Quốc hội thông qua Luật Đầu tư 2005. Lần đầu tiên, Việt Nam có một đạo luật cho cả dòng vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước (trước đó có Luật Khuyến khích đầu tư trong nước 1994 và Luật Đầu tư nước ngoài 1987). Sự ra đời của Luật Đầu tư 2005 đã tạo lập sân chơi bình đẳng cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, khuyến khích, ưu đãi và quản lý hữu hiệu các hoạt động đầu tư kinh doanh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, sau thời điểm Luật Đầu tư 2005 ra đời cũng là giai đoạn Việt Nam tham gia nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương về bảo đảm đầu tư như cam kết Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ... Cùng với đó, sự phát triển của các luật chuyên ngành liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh như: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo hiểm, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, các luật về thuế... đã điều chỉnh mang tính hệ thống ngành về hoạt động đầu tư, bảo đảm ưu đãi đầu tư, quản lý đầu tư trong khu vực công. Lúc này, “chiếc áo” Luật Đầu tư 2005 dường như đã trở nên chật hẹp đối với hoạt động đầu tư ngày một đa dạng.

Trrước bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bắt tay vào xây dựng Luật Đầu tư 2014. Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, thay thế cho Luật Đầu tư 2005 với nhiều thay đổi quan trọng, đặc biệt là các quy định về cấm đầu tư, đầu tư có điều kiện và cải cách thủ tục hành chính về đầu tư.

Sau 5 năm đưa Luật Đầu tư 2014 đi vào cuộc sống, với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn, trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại bắt tay vào lấy ý kiến và xây dựng Luật Đầu tư 2020.

Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 với nhiều điểm mới nhận được sự đồng thuận cao của xã hội như giảm số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện còn 227 ngành, nghề; bổ sung nhiều ngành, nghề ưu đãi đầu tư; có chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt…

Sự ra đời của Luật Đầu tư 2020 được đánh giá là đã góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh cũng như đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư.

Tuấn Dũng

Luật Đầu tư nước ngoài: Phát súng hiệu đầu tiên của công cuộc Đổi mới

Sau hơn 30 năm mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, với dấu mốc đầu tiên là ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, đến nay Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành công nhất trong khu vực. Kết quả này có vai trò rất lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trong hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước…

Chỉ một năm sau quyết định lịch sử bắt đầu công cuộc Đổi mới đất nước, ngày 29/12/1987, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam.

Thời điểm đó, đất nước vô vàn khó khăn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, hàng hóa, lương thực thiếu, lạm phát 3 con số, công nghiệp, nông nghiệp kiệt quệ, lại chịu áp lực bởi cấm vận. “Đến giờ nhìn lại, việc ban hành Luật ĐTNN 1987 là quyết định rất táo bạo nhưng đúng đắn, chính xác, kịp thời, tạo ra bước ngoặt thay đổi vận mệnh của cả một quốc gia. Đó là phát súng hiệu đầu tiên của công cuộc Đổi mới, và dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam sau đó đã thổi luồng sinh khí mới cho nền kinh tế Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Sau khi Luật ĐTNN được thông qua, nhiều nước trên thế giới bình luận đó là một trong các đạo luật về đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực. Khi đó, các nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia chỉ mở cửa dần dần, giới hạn đầu tư của nước ngoài là 49%, còn Việt Nam thì ngay lập tức mở cửa, thông thoáng, chấp nhận doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chỉ giới hạn tỷ lệ góp vốn tối thiểu của nhà đầu tư nước ngoài là 30%, mà không giới hạn tối đa.

Luật ĐTNN 1987, với những tư tưởng cởi mở, thông thoáng, có tầm nhìn xa đã mở đường cho thu hút FDI vào Việt Nam và thực sự đã phát huy hiệu quả, tạo đà cho sự phát triển của kinh tế trong các giai đoạn tiếp theo. Chỉ trong hơn 2 năm Luật đi vào cuộc sống, từ 1988 đến tháng 5/1990, đã có 213 giấy phép đầu tư được cấp, với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD.

Khi Việt Nam tiến hành tổng kết các chính sách quan trọng của đất nước giai đoạn 5 năm 1986 - 1990, thì việc ban hành Luật ĐTNN đã được xếp là 1 trong 9 nội dung quan trọng nhất, cùng với các nội dung đã đi vào lịch sử, như khoán nông nghiệp, trao quyền tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp...

Từ phát súng hiệu đầu tiên này, thể chế chính sách thu hút FDI đã liên tục được điều chỉnh để phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đất nước, thích ứng với công cuộc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực FDI theo hướng tiệm cận thông lệ tốt của quốc tế, nguyên tắc kinh tế thị trường, cạnh tranh giữa các quốc gia trên thế giới.

Đến năm 2005, Luật Đầu tư chung được ban hành, thay thế Luật ĐTNN và Luật Đầu tư trong nước. Và đến năm 2014, việc sửa đổi và ban hành Luật Đầu tư 2014 tiếp tục tạo một bước đột phá trong tư duy của Việt Nam bởi kể từ thời điểm đó doanh nghiệp và nhà đầu tư được làm những gì mà pháp luật không cấm.

Kết quả sau hơn 30 năm kể từ lúc đón nhận dự án FDI đầu tiên, lũy kế đến ngày 20/12/2020, cả nước có 33.070 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 384 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 231,86 tỷ USD. Cũng trong thời gian này, nền kinh tế Việt Nam có những bước tiến dài. Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng của nhiều nền kinh tế lớn, có tiếng nói và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tác động lan tỏa của dòng vốn FDI là rất lớn khi kéo theo sự nhập cuộc tích cực của các thành phần kinh tế khác; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, tạo thêm thế và lực cho Việt Nam chủ động hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.

Việt Thắng

Luật Doanh nghiệp: Đánh thức khu vực tư nhân

Làm “bà đỡ” cho khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, thông qua những cải cách đột phá về thể chế có thể nói là một trong những thành công ấn tượng nhất mà Luật Doanh nghiệp (DN) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo kể từ khi được ban hành đến nay.

Luật Công ty và Luật DN tư nhân 1990 là những văn bản pháp lý đầu tiên quy định về việc thành lập và hoạt động của các chủ thể kinh doanh thuộc thành phần kinh tế tư nhân. Ở thời điểm đó, tuy còn khá sơ sài nhưng đây là một sự kiện trọng đại, mở ra con đường phát triển của DN khối tư nhân khi Luật chính thức công nhận công dân có quyền tự do kinh doanh.

Trải qua gần 10 năm áp dụng, 2 đạo luật này đã góp phần to lớn việc xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy vậy, trong quá trình thi hành cũng xuất hiện các bất cập lớn cần phải sửa đổi, bổ sung như: thủ tục thành lập DN rườm rà, gây nhiều phiền hà cho các nhà đầu tư; các quy định về vốn pháp định đã ngăn cản số lượng lớn những người muốn thành lập DN và tham gia vào nền kinh tế…

Gỡ nút thắt này, năm 1999, Luật DN ra đời trên cơ sở hợp nhất 2 đạo luật trên đã tạo lập ra khung khổ pháp lý chung cho các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường, tạo sân chơi bình đẳng giữa các loại hình DN. Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, Tổ soạn thảo Luật gồm những người có tư duy đổi mới mạnh mẽ, đứng đầu là ông Trần Xuân Giá, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng một số cán bộ chủ chốt của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Tổ Chuyên gia tư vấn của Thủ tướng và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Để phù hợp với tình hình xã hội và nhu cầu phát triển kinh tế, Luật Doanh nghiệp 2005 tiếp tục có những cải cách quan trọng, trong đó thống nhất các quy định về tổ chức quản lý các loại hình DN khắc phục những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật hiện hành về DN. Luật tiếp tục mở rộng quyền tự do kinh doanh, rút ngắn thời gian đăng ký DN, cho phép thành lập công ty TNHH MTV do cá nhân làm chủ, hoàn thiện quy định về quản trị DN theo thông lệ quốc tế.

Trải qua gần 10 năm thi hành, đến năm 2014, Luật DN được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 được xem là cuộc đột phá thể chế lần hai sau cuộc đột phá của Luật DN năm 1999. Những quy định của Luật đã thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013 là cá nhân, tổ chức được phép kinh doanh bất cứ thứ gì mà pháp luật không cấm.

Nối tiếp tinh thần cải cách mạnh mẽ đó, với 10 chương, 218 điều, Luật DN năm 2020 có hàng loạt điểm mới liên quan đến cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký DN, gia nhập thị trường; thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh… Đặc biệt, Luật nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị DN và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế được kỳ vọng sẽ tạo nên những bước tiến đột phá về quản trị DN tại Việt Nam, hỗ trợ DN thích ứng và phát triển bền vững trong thời kỳ mới.

Với việc ra đời của Luật DN, hiện Việt Nam có trên 800.000 DN tư nhân, gấp hàng chục lần so với khoảng 20 năm trước kể từ khi Luật DN năm 1999 được ban hành.

Trung Hiếu

Luật Đấu thầu: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê, trong đó có lĩnh vực quản lý nhà nước về đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã từng bước xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý về đấu thầu với các quy định tiệm cận tiến bộ của thế giới. Luật Đấu thầu ra đời năm 2005 đã góp phần đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch và sử dụng hiệu quả vốn nhà nước.

Năm 2005, bối cảnh thực tiễn đòi hỏi phải có hành lang pháp lý cho lĩnh vực đấu thầu nhằm bảo đảm việc chi tiêu, mua sắm công có hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí; đồng thời tạo môi trường bình đẳng, công bằng, cạnh tranh và minh bạch cho các nhà thầu. Hơn nữa, việc xây dựng và ban hành Luật Đấu thầu năm 2005 cũng là đòi hỏi của các nhà tài trợ vốn để thực hiện công trình, dự án tại Việt Nam. Lúc đó, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD)... đều có các quy định, hướng dẫn mua sắm riêng, đồng thời bảo đảm cho nhà thầu đến từ các nước thành viên được đối xử bình đẳng, công bằng khi tham gia đấu thầu. Luật Đấu thầu đã được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực từ ngày 1/4/2006.

Luật Đấu thầu 2005 ra đời đã góp phần tăng cường công tác quản lý dự án, mang lại hiệu quả cao hơn trong việc sử dụng nguồn ngân sách còn hạn hẹp của đất nước, tạo ra sự thống nhất trong quy định đối với việc chi tiêu sử dụng vốn nhà nước, từ đó khắc phục được những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện do có các quy định khác nhau về đấu thầu tại nhiều văn bản pháp lý.

Sau khi Luật Đấu thầu 2005 ra đời, nhằm bổ sung các quy định để phù hợp với thực tiễn đấu thầu sôi động ở từng thời kỳ, đến năm 2013, Quốc hội đã thông qua Luật Đấu thầu năm 2013 (ngày 26/11/2013). Đạo luật này là một khung pháp lý toàn diện về đấu thầu, được các chuyên gia quốc tế, nhà tài trợ đánh giá cao bởi các quy định cơ bản tiệm cận với thông lệ quốc tế, phù hợp với tiến trình cải cách lĩnh vực mua sắm công tại Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, Luật Đấu thầu 2013 là một trong các đạo luật có nhiều tiến bộ nhất tại Việt Nam hiện nay. Mặc dù ra đời sau các luật tương tự của các nước trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên các quy định về đấu thầu ở nhiều lĩnh vực được quy về một mối. Cũng do ra đời sau, nên Luật Đấu thầu của Việt Nam đã tiếp thu được những tinh hoa, tiến bộ trong các quy định pháp luật về đấu thầu trên thế giới. Quy trình tổ chức đấu thầu đã được các nhà thầu và chuyên gia tư vấn đánh giá rất cao, các quy định đã ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm và tạo điều kiện cho các bên liên quan khi tham gia đấu thầu, khách quan hơn trong quá trình triển khai thực hiện; nâng cao được tính minh bạch, tạo dựng niềm tin cho nhà thầu ngoại khi đầu tư vào Việt Nam.

Đến nay, sau gần 7 năm có hiệu lực thi hành, Luật Đấu thầu 2013 vẫn khẳng định được những giá trị cốt lõi, là khung khổ pháp luật giúp công tác chi tiêu, mua sắm công đạt hiệu quả cao, hạn chế những rủi ro có khả năng xảy ra trong các dự án quy mô lớn và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia, góp phần không nhỏ vào việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

Bích Thảo

Luật PPP: Đổi mới tư duy, đột phá cơ chế

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2020, có hiệu lực từ 1/1/2021, thời điểm bắt đầu của kỳ kế hoạch, một giai đoạn chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mới của đất nước. Lần đầu tiên Việt Nam có luật về PPP, tạo hành lang pháp lý hoàn thiện để huy động nguồn lực đầu tư, trí tuệ, công nghệ từ khu vực tư nhân vào kết cấu hạ tầng thiết yếu, bù đắp thiếu hụt nguồn lực ngân sách cho phát triển đất nước giai đoạn tới.

Tại thời điểm xây dựng Dự thảo Luật PPP, rất nhiều bài toán đặt ra với cơ quan soạn thảo. Làm sao vừa mở ra cơ chế hấp dẫn thu hút nguồn vốn tư nhân, vừa bảo đảm giám sát chặt chẽ, sử dụng hiệu quả nguồn lực Nhà nước tham gia vào dự án, hài hòa lợi ích các bên. Làm sao lấy lại niềm tin của người dân vào mô hình PPP, sự hứng khởi dựng xây của nhà đầu tư sau nhiều rủi ro, đổ vỡ. Một câu chuyện cũng rất đáng quan tâm là làm sao thay đổi tư duy cũ dẫn đến cách làm, cách quản lý dự án PPP, cách phân bổ rủi ro không phù hợp…

Bị áp đặt, đối xử bất bình đẳng trong quan hệ đối tác, đầu tư như một canh bạc đầy rủi ro, nhiều nhà đầu tư trong nước thể hiện sự nản chí, không muốn và không dám đầu tư PPP. Nhà đầu tư quốc tế dù rất quan tâm, nhưng cứ đến rồi đi.

Đâu đó có ý kiến cho rằng Luật PPP khó, mới, phải chuẩn bị kỹ, nếu cần có thể đưa ra xem xét tại 3 kỳ họp Quốc hội. Thế nhưng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhận định, chậm là mất cơ hội, càng sớm ban hành Luật, chúng ta càng có cơ hội thu hút vốn tư nhân nhiều hơn, thực hiện bài bản, hiệu quả hơn, đặc biệt sẽ góp phần giải bài toán nguồn lực cho những mục tiêu đặt ra trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.

Với quyết tâm cao, nỗ lực xây dựng một dự thảo tốt, tạo đồng thuận, thống nhất, Luật PPP đã được thông qua sau 2 kỳ họp Quốc hội.

Luật PPP tháo gỡ trực diện những vướng mắc, hạn chế trong thực tiễn, kế thừa những quy định tốt đang triển khai, đồng thời kiến tạo những cơ chế, chính sách mới cho thu hút vốn tư nhân. Để tập trung nguồn lực, Luật PPP quy định cụ thể 5 lĩnh vực thiết yếu để đầu tư theo phương thức PPP; quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu để đầu tư theo phương thức PPP là 200 tỷ đồng, đối với một số dự án ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, giá trị này là 100 tỷ đồng. Luật quy định rõ về phân loại dự án PPP và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; hội đồng thẩm định dự án PPP; cơ chế minh bạch thông tin suốt quá trình lựa chọn nhà đầu tư dự án cho đến công khai thông tin hợp đồng; vốn nhà nước trong dự án PPP… Đặc biệt, về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, Luật quy định cơ chế chia sẻ được áp dụng cho tất cả các dự án PPP với tỷ lệ cố định 50% - 50% cho hai bên và trên cơ sở kiểm soát định kì doanh thu hàng năm. Việc chia sẻ phần giảm doanh thu khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính chỉ được áp dụng khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc thời hạn hợp đồng và phải được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu.

Những quy định, cơ chế mới tại Luật đã thể hiện rõ sự thay đổi về tư duy, nhận thức về vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong dự án PPP. Theo ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT, dự án đầu tư theo PPP là công trình, dịch vụ công thuộc trách nhiệm thực hiện, cung cấp của Nhà nước, trường hợp không kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư theo PPP thì Nhà nước cũng phải bỏ tiền ngân sách để đầu tư và phải gánh vác mọi trách nhiệm, rủi ro. Sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân chính là bù đắp thiếu hụt, chia sẻ rủi ro với Nhà nước, đồng thời giúp dự án thực hiện hiệu quả hơn. Nhà nước muốn kêu gọi nguồn lực tài chính, tận dụng được tri thức, năng lực quản lý từ các thành phần kinh tế thì cũng cần có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo đảm tính khả thi của dự án thông qua các công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh, mà không thể đẩy toàn bộ trách nhiệm, chuyển hết rủi ro cho tư nhân.

Theo nhiều nhà đầu tư, Luật PPP đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, rào cản đối với dự án PPP, tháo cởi cả những gánh nặng về tâm lý, củng cố niềm tin để giới đầu tư mạnh dạn hơn khi tham gia vào các dự án hạ tầng lớn của đất nước. Nhà đầu tư đã cảm nhận được rằng Nhà nước có những cam kết rõ ràng hơn, như là một đối tác bình đẳng, chia sẻ hài hòa cả lợi ích và rủi ro, đem đến hiệu quả tốt nhất cho dự án.

Nhiều nhà đầu tư quốc tế cũng đánh giá việc Việt Nam xây dựng Luật PPP đã thể hiện một nỗ lực quyết tâm rất lớn, là tín hiệu tốt với nhiều nhà đầu tư quốc tế đang quan tâm đến lĩnh vực hạ tầng tại Việt Nam.

Luật có hiệu lực từ 1/1/2021, là thời điểm Việt Nam bắt đầu giai đoạn phát triển mới với một tư duy mới, cách nhìn mới. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Trương, bước khởi đầu đã rất tốt, nhưng việc triển khai thực hiện mới là quan trọng nhất để phát huy được hiệu quả của Luật. Cần có sự nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện bằng các công cụ, biện pháp rất cụ thể, đặc biệt là lựa chọn, chuẩn bị dự án tốt. Chính sách cởi mở, người thực thi cũng cần tư duy cởi mở, lựa chọn dự án đủ khả thi, mang lại lợi nhuận phù hợp, rủi ro chấp nhận được, chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng để làm PPP.

Nguyệt Minh

Luật Quy hoạch: Tiên phong đổi mới, bản lĩnh đấu tranh

Ngày 24/11/2017 có lẽ là một ngày đặc biệt đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khi Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua với tỷ lệ khá cao. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tư tưởng cải cách, đổi mới và bản lĩnh đấu tranh cho lợi ích chung của Luật Quy hoạch là điều không phải ai cũng dám nghĩ, dám làm và làm được.

Sự ra đời của Luật Quy hoạch không chỉ tạo nên một “cuộc cách mạng” trong công tác lập quy hoạch, lâu nay manh mún, chồng chéo, kém hiệu quả, thiếu tính thị trường, mà quan trọng hơn là hợp nhất các nguồn lực để sử dụng một cách hiệu quả, góp phần tạo động lực để thúc đẩy đất nước phát triển.

Bộ KH&ĐT đã mạnh dạn đưa vào Luật Quy hoạch tư tưởng cải cách, đổi mới phương pháp lập quy hoạch bằng cách tích hợp đa ngành, khắc phục chia cắt, cục bộ giữa các bộ, ngành, địa phương và các vùng miền trong cả nước, tránh xung đột lợi ích và mâu thuẫn, chồng chéo. Đây là một trong những đổi mới mạnh mẽ nhất của Luật. Với cách làm này, số lượng bản quy hoạch sẽ giảm mạnh, đồng nghĩa với việc tiết kiệm được nhiều kinh phí, nguồn lực của quốc gia.

Theo Luật Quy hoạch, các bản quy hoạch chỉ còn cô đọng với Quy hoạch cấp quốc gia; Quy hoạch vùng; Quy hoạch tỉnh; Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định; Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Sự đổi mới đầu tiên trong Luật Quy hoạch chính là sự loại bỏ các quy hoạch không gắn với việc phân bổ và sử dụng lãnh thổ.

Song, ngay từ những ngày đầu khởi thảo, tư tưởng đổi mới mạnh mẽ ấy của Luật Quy hoạch đã vấp phải sự phản ứng gay gắt đến từ 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, những người chưa nhận thức đầy đủ về lĩnh vực quy hoạch và cơ quan soạn thảo nhận định đây là phản ứng mà mọi luật đều gặp khi phải thực hiện sự đổi mới. Cách giải quyết là phải kiên trì thuyết phục, thông qua các phương tiện truyền thông, hội thảo, hội nghị chuyên đề để làm rõ về những tư tưởng đổi mới của Luật.

Nhóm phản ứng thứ hai, phần nhiều xuất phát từ tư duy muốn duy trì những lợi ích cục bộ nào đó hoặc ngại thay đổi. Trước những sự phản ứng từ nhóm này, cơ quan soạn thảo - Bộ KH&ĐT đã có nhiều buổi làm việc, đối thoại dân chủ, tôn trọng lắng nghe lẫn nhau, giải thích, thuyết phục, kiên trì và không ngại va chạm với mong muốn có sự đồng thuận cao nhất vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.

Đỉnh điểm là buổi Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 tại Bộ KH&ĐT, trước những thông tin về Dự thảo Luật Quy hoạch đang bị làm khó bởi lợi ích cục bộ của nhiều đơn vị, tình trạng cát cứ, giữ lợi ích và không chịu đổi mới tư duy…, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Tinh thần của Chính phủ là phải đổi mới, dù đổi mới không phải là dễ nhưng không đổi mới là chết". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, quy hoạch sẽ gặp nhiều va chạm, Bộ KH&ĐT cần có dũng khí. Nếu cái gì đúng thì phải quyết tâm bảo vệ chứ không phải là ngoại giao cây tre, lắc qua, lắc lại.

Giữ vững tinh thần và quyết tâm bảo vệ sự đổi mới, Luật Quy hoạch cuối cùng cũng đã đạt đồng thuận và được Chính phủ trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Tại phiên thảo luận cuối cùng trên nghị trường Quốc hội, trước khi được các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Luật Quy hoạch là một bước cải cách về thể chế để tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch. Luật góp phần thay đổi phương thức quản lý của Nhà nước - trước thiên về mục tiêu quản lý, giờ vừa đảm bảo quản lý vừa đảm bảo kiến tạo, phát triển, phục vụ phát triển. Đây thực sự là công cụ quan trọng để huy động, phân bổ và sử dụng, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực quốc gia.

Hải Bình

Tin cùng chuyên mục