Năm 2015 được xem là một năm bội thu với kiều hối khi doanh số chi trả chỉ tính riêng trên khu vực TP. HCM đã đạt hơn 5,5 tỷ USD, cao hơn con số dự kiến ban đầu là 5,2 tỷ USD.
Doanh số chi trả kiều hối của một số công ty kiều hối cũng khá ấn tượng. Chẳng hạn, tại Công ty Kiều hối Đông Á (DongA Money Transfer), doanh số chi trả năm 2015 đạt khoảng 1,4 tỷ USD. Công ty Kiều hối Sacombank (SBR), doanh số chi trả tổng thể (cả SBR và Sacombank) đều tăng, đạt 1,5 tỷ USD.
Trong 2 tháng đầu năm 2016, lượng kiều hối vẫn chảy mạnh về Việt Nam. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP. HCM cho biết, đã có 900 triệu USD kiều hối chuyển về TP. HCM trong 2 tháng đầu năm nay, tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Minh, kiều hối chuyển về Việt Nam 2 tháng qua tăng do năm nay Tết Nguyên đán rơi vào đầu tháng 2, thời điểm các kiều bào chuyển tiền về cho người thân trong nước.
Theo NHNN TP. HCM, nguồn kiều hối về Việt Nam chủ yếu chảy vào sản xuất kinh doanh. Thống kê trước đó của cơ quan này cho biết, năm 2015, tỷ lệ kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh chiếm 70,6%; vào bất động sản chiếm khoảng 20,7%, chỉ khoảng 7% là hỗ trợ thân nhân, gia đình trang trải sinh hoạt, mua sắm, chữa bệnh, xây dựng nhà cửa.
Trước diễn biến tích cực trên, vẫn có nhiều nhận định cho rằng, khó có thể dự đoán về tăng trưởng của doanh số chi trả kiều hối trong năm nay. Trong đó có 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình nâng lãi suất đồng USD, tạo động lực củng số sức mạnh của đồng tiền này.
Thứ hai, Fed tăng lãi suất sẽ tạo áp lực lên tỷ giá, trong bối cảnh NHNN đã áp dụng chính sách điều hành lãi suất mới trong năm 2016, cùng với đó là kéo lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ về 0%.
Điều này sẽ khiến cho kiều bào không còn ý định chuyển tiền về để gửi tiết kiệm hoặc chờ tỷ giá tăng như trước đây mà phải có mục tiêu, kế hoạch kinh doanh, đầu tư rõ ràng mới gửi tiền về nước.
Ở chiều hướng ngược lại, không ít ý kiến cho rằng, áp lực tỷ giá trong năm chưa hết sẽ là một trong những lợi thế để thu hút kiều hối. Theo đó, tỷ giá được dự báo sẽ còn tăng khoảng 3-5% trong năm 2016.
Đây cũng là lý do được các công ty kiều hối lý giải khi có nhiều khách hàng nhận kiều hối chưa muốn chuyển sang tiền đồng để gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao hơn, khi tiền gửi tiết kiệm USD chỉ còn mức 0% cho cả cá nhân và tổ chức.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, từ năm 2013, với sự ổn định của tỷ giá, lượng kiều hối chuyển về được bán lại cho ngân hàng chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20 đến 35%. Còn trong năm 2015, tỷ lệ này đạt trên 22% và hiện xu hướng này vẫn được duy trì.
Bên cạnh đó, một yếu tố sẽ thu hút kiều hối năm nay là thị trường bất động sản dần ấm lên, tạo điều kiện tốt thu hút kiều bào chuyển tiền về mua nhà, đầu tư; đặc biệt là khi Luật Nhà ở đã cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà kể từ ngày 1/7/2015.
Mặt khác, tuy đã tăng lãi suất vào cuối năm 2015, nhưng hiện tại, Fed luôn tỏ thái độ thận trọng với lộ trình nâng lãi suất đã đề ra. Tuyên bố của Ủy ban thị trường mở (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed vào tháng 1/2016 cho thấy, các chỉ số kinh tế chính tại Mỹ bị suy giảm, trong khi mối lo ngại bất ổn tài chính và kinh tế thế giới tác động mạnh tới kinh tế Mỹ càng gia tăng. Vì vậy, có nhiều khả năng kế hoạch nâng lãi suất của Fed sẽ bị trì hoãn.
Trước nhiều dự báo trái chiều, chỉ tiêu kinh doanh của một số công ty kiều hối đưa ra cho năm nay không tăng quá cao so với năm ngoái, chỉ ở mức tăng khoảng 10%. Đơn cử tại DongA Money Transfer, riêng trong 2 tháng đầu năm 2016 đã thu hút được khoảng 230 triệu USD kiều hối, nhưng doanh số chi trả dự kiến cho cả năm nay ở mức 1,5 tỷ USD, cao hơn 100 triệu USD so với năm 2015. Tại SBR, dự kiến chỉ tiêu về doanh số chi trả kiều hối năm nay sẽ tăng 15-20% so với năm ngoái.